Món bánh dân dã
Bánh cà (hay còn gọi là bi cà) ở Làng Nam (xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) có từ bao giờ chẳng ai nhớ nữa. Những người già nhất ở làng chỉ biết khi mình sinh ra và lớn lên đã được thưởng thức thứ quà dân dã này. Trong ký ức của họ, thuở trẻ con được ăn bánh cà dịp cuối năm, Tết đến là điều vô cùng thích thú. “Ngày xưa chỉ đến Tết mới được bố mẹ làm hoặc mua bánh cà cho ăn. Cũng bởi chỉ được ăn mấy ngày Tết nên lúc nào cũng thèm và nhớ mãi hương vị ấy. Cái bánh nhỏ, cắn giòn tan trong miệng, có mùi thơm của bột nếp, trứng gà, kèm theo vị ngọt thanh của đường, một chút cay nồng của gừng”, cụ Ngô Thị Lựu (96 tuổi) hồi nhớ.
Rồi cụ Lựu tiếp lời, gọi bánh cà vì nó nhỏ như quả cà pháo. Những năm gần đây, theo yêu cầu của khách hàng, bánh đã được làm nhỏ hơn, nhìn như hòn bi ve, dù vậy tên gọi bánh cà vẫn được người dân nơi đây sử dụng. Loại bánh dân dã này hiện trở thành thứ hàng hóa cho thu nhập khá đối với các hộ dân nơi đây. Bánh cà Làng Nam ngoài cung ứng cho thị trường nội tỉnh, hiện đã được bán ở những thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...
Ông Hoàng Văn Âu, Trưởng xóm Làng Nam, xã Hưng Tân cho biết: Cả làng 250 hộ dân thì có tới khoảng 80% hộ làm được sản phẩm này. Trong đó, có khoảng 80 hộ dân với gần 150 lao động là làm thường xuyên với số lượng lớn, cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán gần 100 tấn sản phẩm mỗi năm.
Theo người dân nơi đây, bánh cà được sản xuất từ tầm tháng 8 âm lịch, khi mùa nắng nóng đã giảm bớt, tầm tháng 11 là cao điểm và kéo dài đến tháng 2. Công việc không quá nặng nhọc, chỉ cần sự khéo léo, chịu khó nên từ trẻ con, người già đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất.
Năm nay, để phục vụ cho vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu, chị Nguyễn Thị Hiền chuẩn bị khoảng 7 tạ nếp, hàng vạn quả trứng gà, đường kính và dầu ăn. Tại Làng Nam, chị Hiền là một trong ít hộ dân sản xuất bánh cà hoàn toàn bằng cách thủ công. Dù được nặn bằng tay nhưng hạt bánh cà nhà chị trăm hạt như một, đều tăm tắp, màu vàng đẹp, giòn tan.
Vừa luôn tay làm việc, chị Hiền cho hay, đây là nghề truyền thống của gia đình nên hàng chục năm qua, chị luôn duy trì. Để làm bánh, trừ việc đánh trứng sử dụng máy cho đều thì công đoạn trộn nguyên liệu, nặn hạt cho đến rán, tẩm đường đều hoàn toàn làm thủ công. “Nhà tôi đông người, mỗi người xúm vào một tay, mỗi ngày cũng hết cả yến bột. Vụ Tết này sau khi trừ chi phí tôi lãi được khoảng 30 triệu đồng. Đối với vùng nông thôn như chúng tôi, đó là khoản thu khá giúp gia đình sắm sang cái Tết tươm tất hơn. Cũng nhờ có loại bánh này mà đời sống cũng khấm khá hơn xưa”, chị Hiền bày tỏ.
Nhằm áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc làm bánh, năm nay hộ chị Hồ Thị Thìn đầu tư máy cán và tạo hạt với giá 6,5 triệu đồng để phục vụ sản xuất. So với làm thủ công thì làm máy nhanh, hạt tròn đều, do đó chi phí sản xuất cũng giảm đáng kể. Bên chiếc máy tạo hạt mới đầu tư, chị Thìn cho hay, trước đây hai vợ chồng chị làm mỗi ngày cật lực được 10kg bột, nay có máy móc hỗ trợ, có thể làm gấp 3. Nhưng làm thủ công thì 1 người có thể “bao” các công đoạn, làm máy bắt buộc phải 2 người làm để không lãng phí sức máy cũng như tiền điện.
Làng nghề nổi tiếng
Dù làm bằng máy hay thủ công thì bánh cà Làng Nam vẫn có hương vị rất riêng, khó trộn lẫn với sản phẩm ở những nơi khác. Theo người dân nơi đây, bí quyết nằm ở khâu lựa chọn nguyên liệu và kỹ thuật pha trộn để tạo nên chiếc bánh. Những người làm nghề lâu năm của làng bật mí, nếp được sử dụng để làm bánh phải là nếp ta, đảm bảo độ dẻo cần thiết và phải được xay thật mịn. Khi trộn nguyên liệu gồm bột nếp, trứng gà ta và nước lạnh phải theo tỉ lệ phù hợp. Ngoài ra, công đoạn nhào nặn yêu cầu thật kỹ để ra khối bột mềm, mịn, không được khô nhưng cũng không được quá nhão.
Là người có thâm niên nhiều năm làm bánh cà, chị Hiền chia sẻ: Bánh cà Làng Nam hoàn toàn không có chất tạo xốp, không chất tạo màu, không chất bảo quản. Độ xốp của bánh được tạo từ việc nguyên liệu được nhào kỹ; màu vàng óng của bánh cà từ trứng gà và kỹ thuật rán; đặc biệt bánh được rán bằng dầu thực vật, không dùng dầu tái chế. Hiện người dân làng nghề tập trung làm 2 loại bánh: 1 loại được tẩm đường và không tẩm đường, được bán sỉ với giá 100-120 nghìn đồng/kg tùy từng loại. Với bánh tẩm đường sẽ được thêm gừng để tạo vị riêng.
Xuất phát chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng đến nay với nhiều hộ gia đình ở Hưng Tân từ làm bánh cà đã trở thành một nghề đem lại nguồn thu nhập cao, nhất là mỗi dịp Tết. Đây vừa là bài toán giải quyết thời gian nhàn rỗi vừa tận dụng nguồn lao động cũng như nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương nhằm tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Theo ông Hoàng Văn Âu, vào thời gian cao điểm vụ Tết, trung bình mỗi lao động của làng nghề có thu nhập trên chục triệu đồng mỗi tháng, hộ gia đình sản xuất đạt 40-50 triệu đồng.
Dịp cuối năm 2020, Làng Nam được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề sản xuất bánh cà. Đây là tín hiệu tốt để xây dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Những năm trở lại đây, đời sống người dân dần khấm khá, không đến nỗi cứ phải đợi Tết đến Xuân về người dân ở đây mới làm bánh cà nhưng nó trở thành món quà truyền thống của các gia đình. Ra Giêng, con cháu đi xa mang theo một ít sản vật quê hương để thưởng thức cho thỏa nỗi nhớ quê, cũng là để giới thiệu nghề truyền thống quê mình.