Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mạnh mẽ việc sử dụng PrEP như một phần trong chiến lược dự phòng HIV kết hợp cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP đã được chứng minh nếu người trong nhóm nguy cơ dùng đều đặn và thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm HIV tới 92%.
Theo đó, những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình (vợ/chồng) âm tính của người có H) có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống 1 viên thuốc kháng vi-rút (ARV) chứa tenofovir mỗi ngày để bảo vệ họ khỏi bị nhiễm HIV.
Việc kê đơn PrEP thí điểm sẽ diễn ra trong 18 tháng (3/2017 - 9/2018) tại tất cả phòng khám công và phòng khám tư, kể cả phòng khám là doanh nghiệp xã hội do chính thành viên của các nhóm cộng đồng vận hành...
Kết quả thí điểm sẽ được tổng kết và trình Bộ Y tế nhằm định hướng cho các bước tiếp theo.
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS chia sẻ: “PrEP là biện pháp dự phòng HIV mới và hữu hiệu đang ngày càng được áp dụng trên thế giới, kể cả ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Với việc đưa dịch vụ PrEP vào Việt Nam, chúng ta có cơ hội giảm mạnh các ca nhiễm HIV mới và loại trừ HIV ở Việt Nam vào năm 2030.”
Tiến sỹ Kimberly Green, Giám đốc Dự án Healthy Markets phát biểu: “Mục tiêu của chương trình thí điểm PrEP này là tìm ra mô hình cung cấp dịch vụ tốt nhất có tính bền vững. Kết quả thí điểm sẽ được sử dụng để xây dựng hướng dẫn quốc gia và cơ chế tài chính cho PrEP trong tương lai”.
Dịch vụ PrEP là mục tiêu lâu dài do Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) hỗ trợ thông qua Dự án Healthy Markets của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).