Từ lâu, dư luận không lạ gì với hàng loạt dự án “đắp chiếu”, phơi nắng mưa, mặc cho cỏ dại um tùm ở nhiều khu vực thuộc Hà Nội. Bởi vậy, liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay, có thể khẳng định, nhu cầu nhà ở của người dân luôn là vấn đề bức thiết, cần “lời giải” phù hợp thực tiễn.
Nói lại, theo quy hoạch dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có quy mô 6 tòa nhà cao 20 tầng, cung cấp 22.000 chỗ ở cho sinh viên. Đến tháng 1/2015, 3 tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành, có sức chứa 10.800 sinh viên. Mỗi phòng rộng gần 57m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa... Theo quy định là 8 người/ phòng với giá thuê khá “mềm” là 205.000 đồng/người/tháng.
Cần khẳng định, việc xây dựng khu nhà này được xã hội khá quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Nếu đúng theo kế hoạch định hướng nó sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu chỗ ở cho một lượng lớn sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Thế nhưng, dù giá cả thuê khá ưu đãi nhưng tính đến nay mới có khoảng 3.500 sinh viên vào ở, nhiều diện tích bị bỏ hoang, công năng không được sử dụng.
Phản hồi lại kết quả này, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ mô hình nhà ở của sinh viên đã và đang tỏ ra kém hấp dẫn với loại hình ký túc xá và nhà trọ tự phát một phần xuất phát từ việc thiếu hụt các hạng mục phục vụ đời sống sinh hoạt. Chẳng hạn, các khu vực như chợ, khuôn viên thể thao, giải trí… còn tương đối hạn chế. Nói cách khác, từ dự án này cho thấy việc thiếu hụt hạ tầng phục vụ dân sinh là nguyên nhân chi phối, là bài học trong quản lý quy hoạch và phát triển nhà ở theo kế hoạch.
Có thể khẳng định, việc chuyển đổi các dự án nhà ở xã hội cũng như chuyển từ các loại hình nhà ở khác sang nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội đang là một trong những định hướng của thành phố trong giai đoạn tới. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là dự án nhà ở cho sinh viên là thiếu thực tế và không cần thiết. Trên thực tế, Hà Nội hiện có gần 100 trường đại học, cao đẳng, với lượng sinh viên ước chừng trên 300.000 người. Số liệu này chưa bao gồm lượng sinh viên đã tốt nghiệp, có có nhu cầu học nâng cao hoặc người chưa tìm được việc làm nhưng vẫn sinh sống tại Hà Nội.
Dẫn như vậy để thấy rằng việc giải quyết chỗ ăn, ở cho một lượng lớn đối tượng này luôn là bài toán nan giải. Và việc triển khai những dự án như nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp là hợp lý. Tương lai, nếu các đơn vị quản lý có sự điều chỉnh linh hoạt hơn, tin chắc lỗi ế ẩm như dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ không lặp lại.