Cách sử dụng sâm hiệu quả mà không phải ai cũng biết

(PLVN) - Từ xa xưa, nhân sâm không chỉ là một loại thuốc quý mà còn được chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng phục vụ cho hoàng tộc các nước phương Đông. Theo Đông y, nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí và cũng là vị thuốc quý hiếm, đứng đầu bộ thuốc quý “Sâm - Nhung - Quế - Phụ”. Nhân sâm bao gồm ba loại chính là nhân sâm tươi, hồng sâm và bạch sâm. Tuy nhiên, đối tượng nào mới có thể sử dụng sâm và dùng như thế nào cho hiệu quả thì không phải ai cũng biết.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Sách đông y cổ truyền chỉ rằng, không nên dùng nhân sâm sau bữa ăn và buổi tối. Chỉ nên sử dụng nhân sâm độc vị (sâm nguyên chất) khi đã được thầy thuốc bắt mạch kê đơn và hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, khi dùng nhân sâm cần đặc biệt chú ý không uống trà, ăn củ cải, đồ biển sau khi uống sâm. Bởi lẽ, củ cải và đồ biển đại hạ khí, còn nhân sâm đại bổ khí, hai thứ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, có rất nhiều cách để sử dụng sâm, để sâm phát huy hết tác dụng như:

Pha trà uống: Nhân sâm thái thành lát mỏng, mỗi lần dùng 1-2g, cho vào ấm, đổ nước sôi vào như là pha  trà. Sau 5 phút có thể rót ra uống dần như trà. Có thể hãm vài lần như vậy, sau khi thấy mùi vị đã nhạt thì lấy bã ra nhai và nuốt dần.

Sâm tán bột: Sâm sấy khô, tán mịn, mỗi lần dùng 1-2g, có thể dùng bột sâm pha nước uống hoặc uống trực tiếp bột sâm và chiêu bằng nước đã đun sôi. Hai cách  kể trên thường áp dụng đối với chứng “khí hư” trong Đông y, với những biểu hiện chính: Người mệt mỏi, hay vã mồ hôi, thở yếu, chuyển hoá cơ bản kém.

Ngậm tan: Sâm thái thành lát thật mỏng, mỗi lần ngậm một lát, cho đến khi mềm nát thì nuốt dần, ngày nuốt 3-4 lát. Cách dùng này thường áp dụng đối với người mắc bệnh lâu ngày, mệt mỏi, kém ăn, cùng chứng  “phế hư”- chức năng hô hấp suy giảm,  phổi yếu, thở gấp, ho suyễn.

Sắc uống: Nhân sâm thái lát, mỗi ngày dùng 5-10g, sắc kỹ với  nước, pha thêm 20-30g đường vào, chia thành nhiều lần uống và ăn cả cái. Trường hợp dùng để cấp cứu: Tăng sâm lên 30-60g, sắc uống hết ngay trong  một lần. Cách này thường dùng trong trường hợp cơ thể suy yếu nặng, sau phẫu thuật bị mất nhiều máu, cấp cứu lúc lâm nguy.

Nấu cháo ăn: Nhân sâm 3g, thái lát, sắc kỹ một lúc với nước, sau đó cho thêm gạo và nước vào nấu thành cháo ăn. Cách dùng này có tác dụng bổ dưỡng, thích hợp với những người mắc các chứng bệnh mạn tính đường tiêu hoá và người già cơ thể suy yếu, răng hỏng nhiều.

Sâm hấp trứng gà: Trứng gà 1 quả, khoét 1 lỗ nhỏ ở đỉnh, cho 1-2g bột nhân sâm vào, trộn đều. Lấy một miếng khăn giấy thấm nước cho ướt để dán kín lại rồi đem hấp chín. Mỗi ngày dùng 1 lần. Cách dùng này thường áp dụng để bồi bổ cơ thể đối với những người mắc các bệnh mạn tính.

Ngoài ra, đối với các phản ứng nhiễm độc nhân sâm, trường hợp nhẹ chỉ cần ngừng sử dụng là cơ thể sẽ dần dần hồi phục. Trường hợp nặng phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Trường hợp ngộ độc nhẹ, có thể dùng củ cải hoặc hạt củ cải giã nát sắc uống, cũng mang lại hiệu quả nhất định.