Nhà nước đã lo cho người dân nói chung đón Tết đầm ấm, vui tươi, vật chất và tinh thần đầy đủ, sẽ phải “lo” trích một khoản ngân sách rất lớn để chi Tết, giải quyết chế độ chính sách, giúp đỡ người nghèo, thực hiện trách nhiệm “không một ai không có Tết”.
Đáng lo ngại nhất là thuế môi trường thu qua xăng dầu tăng cực đỉnh vào đúng hôm mở đầu Tết dương, chuẩn bị Tết âm, nhưng may là Chính phủ chỉ đạo sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu và rất may là giá xăng thế giới giảm mạnh nên không có biến động lớn, đặc biệt là đối với người nghèo khi xăng tăng giá.
Điều lo lắng còn lại là các cán bộ lãnh đạo tài chính Việt Nam đang đề nghị thu một loại phí bảo vệ môi trường, gọi là phí khí thải độc hại nữa, ngoài thuế môi trường vừa thu. Hy vọng là các vị “khoan thứ sức dân”, đừng tận thu thêm. Nên để thời gian và công sức đó truy thu một món tiền nợ thuế khổng lồ mà các doanh nghiệp còn chây ỳ thì có lẽ tốt cho nhân dân và đất nước hơn.
Chính phủ đang ra sức khuyến khích người dân giảm dùng tiền mặt, đúng là cơ hội cho các ngân hàng chiếm lĩnh cơ hội này mà mở mang các tài khoản khách hàng của mình. Nhưng không, vào ngày cuối cùng của năm 2018, các cụ già hưu trí dùng thẻ ATM được phen choáng váng khi bị trừ đi 52.800 đồng gọi là “thu phí thường niên” mà không hề báo trước, không tỏ ra lịch lãm như cách “một ông lớn ngân hàng” cần phải có.
Người lao động cả năm gắn bó, chia sẻ công việc cơ quan, đơn vị và kết thúc, họ được “tưởng thưởng” khoản tiền mua đủ một chậu quất chơi xuân. Những người không vì tiền đó nhưng vẫn phải lăn tăn vì tiền, cảm thấy bị xúc phạm bởi cách ứng xử của chủ doanh nghiệp. Tết, cũng là một dịp thể hiện sự tri ân và cũng cần đến tiền để thể hiện việc đó!