Dẫn chứng có rất nhiều nhưng tựu trung là ứng xử với văn hóa một cách rất thiếu... văn hóa. Chẳng hạn như người ta bảo tồn một di tích văn hóa bằng cách hủy hoại nó theo đủ kiểu khác nhau, làm mới và thay đổi diện mạo, phá hỏng không gian, trong khi đó “bảo tồn” đơn giản là trân trọng, giữ gìn, không thể để thời gian biến nó thành phế tích mà thôi.
Văn hóa bao trùm lên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội và chi phối đến hành vi ứng xử của từng thành viên trong xã hội đó. Vậy nên, cách ứng xử của một cá nhân trong cộng đồng cũng là biểu hiện văn hóa của cộng đồng đó trong “tổng hòa các mối quan hệ” văn hóa như giáo dục, đạo lý, phong tục tập quán hay gia phong, gia đạo, quan niệm sống,...
Văn hóa là diện mạo của quốc gia, tinh thần dân tộc, lịch sử hình thành và phát triển của đất nước, tinh hoa và bản sắc lưu giữ những gì chắt lọc và đọng lại qua dòng chảy thời gian và đời sống cộng đồng qua nhiều thế hệ. Trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa là “bảo tồn” những tinh hoa văn hóa đó, tinh thần cũng như vật chất, vật thể cũng như phi vật thể, thiết chế cũng như tâm linh... Nếu không giữ gìn được bản sắc tinh hoa đó thì chưa thể nghĩ đến chuyện xây dựng và phát huy.
Thế nhưng, nhiều biểu hiện cho thấy chúng ta đang đi ngược với cách hành xử “đối với văn hóa phải cần văn hóa”. Đó không chỉ là sự đối phó nhất thời, chấn chỉnh những biểu hiện phi văn hóa mà còn thiếu sự am hiểu văn hóa truyền thống với các giá trị phổ biến để phổ cập đến các thành viên của cộng đồng với một tầm nhìn rộng lớn hơn và đầu tư công sức đúng chỗ.
Trách nhiệm và phải được coi là sứ mệnh của nền giáo dục là truyền bá văn hóa truyền thống tốt đẹp cho thế hệ tiếp nối để họ tiếp thu được những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc. Điều đó là nền tảng để tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa khác, loại trừ được sự lai căng, lố lăng hay “lệch chuẩn”.
Thế nhưng, giáo dục đã làm được rất ít điều này khi coi truyền thụ kiến thức đơn thuần là văn hóa, làm giảm thiểu các giá trị văn hóa cốt lõi bằng cách xác định “trình độ văn hóa” là tốt nghiệp các cấp học phổ thông. Chúng ta không nhận thấy sự hiện diện của nhà văn hóa trong nhà giáo dục và ngược lại, cụ thể hơn, không có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cái ngành “tuy hai mà một” này, làm sao có sự đứng riêng rẽ được giữa văn hóa và giáo dục.
Một người có “trình độ văn hóa” tốt nghiệp phổ thông trung học hay cao hơn nhưng có thể ứng xử vô văn hóa, rất vô học mặc dù có học thì đấy đâu phải là “trình độ văn hóa”? Ngược lại một người “vô học” vẫn có cách ứng xử rất văn hóa bằng sự mộc mạc, chân thành mà nhân bản.
Cách quản lý văn hóa chạy theo hình thức và thành tích đã khiến cho chuẩn mực văn hóa bị hạ thấp. Thấy rõ nhất là hiện tượng lạm phát danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Xã văn hóa” và cả “Cơ quan văn hóa” mà vô số những việc làm, hành vi ứng xử rất thiếu văn hóa, trái đạo lý xảy ra ngay bên dưới những nơi treo những danh hiệu đó. Nhà nhà đều là “Gia đình văn hóa” mà xã hội không văn hóa được, nghịch lý đó đã tồn tại nhiều năm nay và không biết đến bao giờ mới chấm dứt nạn lạm danh này.
Một sự lạm phát khác cũng cần phải phải chấn chỉnh và cần đến sự can thiệp của các cơ quan quản lý đó là “văn hóa tâm linh”. Thực sự là mê tín và mê muội trong cộng đồng đã trở lại và không có giới hạn, nhiều biến tướng khác nhau khiến người ta không biết tin vào cái gì, từ gọi vong tìm hài cốt của các “nhà ngoại cảm” được truyền bá rộng rãi đến mọi tầng lớp dân cư đến “oan gia trái chủ”, “dâng sao giải hạn”, rồi sư thật, sư giả, chùa thật, chùa giả...
Không thể chỉ nhìn vào hiện tượng để đánh giá sự xuống cấp của một nền văn hóa. Song, những hiện tượng đó để lâu, phát tán rộng thì nó chuyển hóa thành bản chất và lúc đó thì khó có thể cứu chữa được. Dân tộc ta có một truyền thống văn hóa cực kỳ nhân văn, đạo lý “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” là một dẫn chứng đầy thuyết phục.
Giờ đây, khi sự ích kỷ có xu hướng lên ngôi ở rất nhiều lĩnh vực từ thực phẩm độc hại đến thuốc giả tràn lan, từ lừa dối người tiêu dùng đến đẩy nhau vào con đường phạm pháp... Những hiện tượng đó đều có nguyên nhân từ việc thiếu tôn trọng đạo lý, coi thường các chuẩn mực đạo đức, bỏ qua những giá trị văn hóa nhân sinh và đặt ra trách nhiệm cho những nhà quản lý xã hội phải khắc phục tình trạng này!