Những lần 'dậy sóng' dư luận của văn hóa năm 2019: Đâu là nguyên nhân?

(PLVN) - Khách sạn 7 tầng chễm chệ ngay trên hẻm vực Tu Sản tại danh thắng Mã Pì Lèng; bộ phim hoạt hình “Everest: Người tuyết bé nhỏ” và ấn phẩm du lịch “cài cắm” hình “lưỡi bò”, nude tại di sản... Đó là một số vấn đề nổi cộm của ngành Văn hóa năm 2019 khiến dư luận bất bình.  
Khách sạn Panorama phá vỡ cảnh quan Mã Pì Lèng.
Khách sạn Panorama phá vỡ cảnh quan Mã Pì Lèng.

Tổ hợp khách sạn, nhà hàng trên đỉnh Mã Pí Lèng

Khi hình ảnh về tòa khách sạn 7 tầng xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng được phát tán lên mạng xã hội, đại đa số cư dân mạng lẫn khách du lịch đều cảm thấy vô cùng bức xúc về vấn đề này. Đèo Mã Pí Lèng là đoạn QL4C dài khoảng 20km nối hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” Việt Nam.

Khu vực đèo Mã Pí Lèng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia năm 2009. Đỉnh đèo cao 2.000m, là con đường hiểm trở trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, nơi được UNESCO chính thức công nhận danh hiệu vào năm 2010. 

Vẫn kiểu xử lý “hòa cả làng”

Điều đáng nói, tất cả sự việc gây bức xúc dư luận trên, hầu hết cơ quan chức năng, những người có liên quan đều không hề hấn gì, “ghế” lãnh đạo tại các địa phương có di sản bị xâm hại không hề bị lung lay. 

Trong khi những di sản ấy bị đầy thương tích, “rớm máu”, hiện trạng ngổn ngang, bừa bộn sau khi đã phá cảnh quan núi rừng giữa lòng di sản thì các lãnh đạo địa phương, cơ quan chức năng, chủ dự án chỉ có bài ca: “Chúng tôi không biết”.

Có chăng những vụ vi phạm gây “bão” dư luận ấy chỉ bị phạt vài chục triệu đồng rồi lại “đình chỉ, cắt ngọn, sẽ rút kinh nghiệm”. Còn những hình ảnh phản cảm nude ở di sản lại không hề bị xử phạt vì... không có chế tài.

Việc xử lý kiểu “hòa cả làng”, “sự đã rồi”, hay xử phạt kiểu “chổi lông gà quét bã cao su” như trên, ai dám khẳng định, năm 2020, những sự việc gây bức xúc như trên lại không xảy ra tại các tỉnh, thành trong cả nước?

Theo Đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực có nhà hàng nêu trên là nơi hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh - quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng. 

Tuy nhiên, đầu năm 2019, ở lưng chừng đèo Mã Pì Lèng xuất hiện một công trình xây dựng bằng bê tông cao 7 tầng “tự xưng” là: “Mã Pì Lèng - Panorama - Hotel - Restaurant - Coffee” “găm” vào vách núi theo kiểu bậc thang.

Dư luận và các chuyên gia đều tức giận khi thấy thêm một thắng cảnh tuyệt mỹ của Việt Nam như Mã Pí Lèng lại bị các công trình xây dựng xâm phạm. Sau sự việc ồn ào từ khách sạn 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng, mới đây phía UNESCO đã chính thức lên tiếng và tỏ ra vô cùng thất vọng.

Ngày 8/10, Sở Xây dựng Hà Giang có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả cuộc họp liên ngành và đề xuất hướng xử lý công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng.

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Mèo Vạc chỉnh trang, cải tạo một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. Toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế phải phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước ngày 15/11/2019. 

Hình “lưỡi bò” “quậy” điện ảnh, du lịch

Từ cuối tháng 9, bộ phim hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ” (tựa tiếng Anh là Abominable) đã được quảng bá rầm rộ tại Việt Nam. Một trong 2 nhà đồng sản xuất phim là Công ty Pearl Studio của Trung Quốc. Trong phim Abominable, hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim.

Ngay trong phần trailer với phụ đề Việt mà “CJ CGV hân hạnh phát hành” thì cũng dễ dàng nhìn ra tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” mà nhân vật chính Yi treo trên tường trong căn phòng nhỏ của cô bé. Tấm bản đồ này xuất hiện nhiều lần trong bộ phim. Bộ phim sau đó đã được rút và dừng chiếu, toàn bộ trailer cũng đã tháo gỡ trên hệ thống.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an không giấu nổi vẻ bức xúc: “Đây là sai lầm khó sửa chữa, bởi bộ phim đã được công chiếu rộng rãi gần 10 ngày nay, thậm chí được đánh giá là bộ phim ăn khách. Dù là phim, vẫn có yếu tố chính trị nên việc kiểm duyệt không bao giờ được buông lỏng. Việc công chiếu một bộ phim tại Việt Nam mà lại có “đường lưỡi bò” là không thể chấp nhận được, dù chỉ vài giây thoáng qua, bởi đây là chủ quyền thiêng liêng của dân tộc”. 

Bộ phim có hình lưỡi bò.
 Bộ phim có hình lưỡi bò.

Cũng liên quan đến cái gọi là “đường lưỡi bò”, chiều ngày 17/10/2019, ông Trần Đức Hiếu, hiện công tác tại Viện Cơ học và Tin học ứng dụng (TP HCM) và một người bạn đến Công ty Lữ hành Saigontourist trên đường Lê Thành Tôn (quận 1, TP HCM) hỏi thông tin về tour du lịch đi Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc). Tại đây, nhân viên quầy du lịch nước ngoài giới thiệu các tour đi trong tháng 11 và cung cấp cho khách cuốn cẩm nang dày gần 100 trang giới thiệu hình ảnh thắng cảnh Trương Gia Giới. 

Đáng chú ý, cuốn sách do Ủy ban Đối ngoại và Du lịch Trương Gia Giới biên soạn có in hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông tại hai trang cuối giới thiệu các đường bay của sân bay quốc tế Hà Hoa Trương Gia Giới.

Ngay sau khi Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Du lịch TP HCM vào cuộc xử lý việc Công ty Lữ hành Saigon Tourist phát hành ấn phẩm du lịch in hình “đường lưỡi bò”, đơn vị này đã bị xử phạt 50 triệu đồng, buộc thu hồi toàn bộ ấn phẩm để tiến hành tiêu hủy.

Trơ trẽn nude tại di sản

Tối 18/9/2019, cư dân mạng lan truyền clip ghi lại hình ảnh bán khỏa thân của cô gái mặc quần jeans và cầm nón che vòng một rồi quay clip trên một nóc nhà tại phố cổ Hội An (Quảng Nam). Ngay sau khi clip được đăng tải, nhiều khán giả đã tỏ ra bức xúc trước những hành động phản cảm của cô gái tự cho mình là người mẫu, diễn viên.

“Hội An đang bị bôi nhọ bởi những hình ảnh nhố nhăng, phản cảm này”, “Không thể nào chấp nhận nổi, đừng bao giờ quay trở lại Hội An của chúng tôi”... là những bình luận của cư dân mạng trước video này. 

Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Hội An cho biết: “Quay video khỏa thân là hành động phản cảm. Cộng đồng mạng phản ứng rất gay gắt với trường hợp này. Người dân Hội An cũng rất tức giận vì trước nay không hề có những hành động dung tục như thế. Việc khoe thể xác ở một Di sản Thế giới như Hội An là điều không thể chấp nhận”. 

Ngành điện lực và công an kiểm tra thiết bị điện có hình ảnh "đường lưỡi bò" tại Đồng Nai.
  Ngành điện lực và công an kiểm tra thiết bị điện có hình ảnh "đường lưỡi bò" tại Đồng Nai.

Hình ảnh giới trẻ có những hành vi “bôi bẩn” chốn linh thiêng, di tích, danh thắng quốc gia không phải là chuyện hiếm. Chiều 8/10, tài khoản Trần Chí Hiếu chia sẻ trên trang cá nhân đoạn video ghi lại cảnh cùng nhóm bạn đi motor trên đèo Mã Pì Lèng thu hút sự chú ý của dân mạng. Điều đáng nói, cả 4 thành viên trong nhóm đều không mặc trang phục trên người. Nhóm người đó cho rằng, nude để bảo vệ môi trường. Ngay sau khi đăng tải, những hình ảnh phản cảm trong clip nhận không ít “gạch đá” của dư luận.

Theo GS.TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch, hành vi không mặc quần áo ra đường, xuất hiện tại nơi công cộng là vi phạm pháp luật, gây mất trật tự xã hội. “Tôi cho rằng đây là một hành vi vô văn hóa. Những người này lấy mục đích bảo vệ môi trường là ý kiến chủ quan anh ta nhưng nó không đúng với khách quan, không phù hợp với văn hóa xã hội, ở nơi di sản. Theo tôi, bảo vệ môi trường là một mục đích tốt nhưng hành động nào cũng phải thuận theo văn hóa, được sự cho phép của pháp luật” - GS.TS Vũ Gia Hiền bày tỏ sự bức xúc. 

Chuyện muốn khóc ở Khu di tích lầu Bảo Đại

Khu di tích lầu Bảo Đại hay còn gọi được là biệt thự Cầu Đá ở Nha Trang (Khánh Hòa), nằm trong khuôn viên rộng hơn 12ha, được người Pháp xây dựng trên núi Cảnh Long vào năm 1923 để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Tại đây có 5 tòa biệt thự xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp, ẩn mình dưới những tán cây xanh tỏa bóng mát quanh năm.

Tháng 8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 13,6ha đất, gồm toàn bộ khu di tích lầu Bảo Đại và mặt nước danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Theo thiết kế, khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại sẽ xây mới 36 căn biệt thự, 5 căn biệt thự cổ hiện hữu được cải tạo, thay đổi công năng. Ngoài ra, ở đây sẽ có các hạng mục khác như nhà hàng, quán bar, khách sạn cao 5 tầng... 

Nắm dự án trong tay, Công ty CP Đầu tư Khánh Hà nhanh chóng cho máy móc “cạo trọc” cả ngọn núi Cảnh Long để xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar... Trong khi đó, 5 ngôi biệt thự tại khu di tích lầu Bảo Đại thì bị xuống cấp lại không được trùng tu, sửa chữa. 

Liên quan đến việc thi công dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, cuối năm 2017, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư Khánh Hà do tự ý xây dựng vượt quy hoạch, trái giấy phép xây dựng được cấp. Cùng với quyết định, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã đình chỉ thi công dự án.

UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó giao Sở Xây dựng tỉnh này đã yêu cầu Công ty CP Đầu tư Khánh Hà phải điều chỉnh quy hoạch dự án, một số hạng mục công trình để hạn chế phá vỡ cảnh quan chung của khu di tích, danh lam thắng cảnh Lầu Bảo Đại.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư hoàn chỉnh phương án, thủ tục về trùng tu, cải tạo năm tòa biệt thự cổ trong khu di tích trên theo hướng giữ nguyên trạng phần kiến trúc cổ để trình cho tỉnh xem xét. 

Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2019, Công ty CP Đầu tư Khánh Hà tiếp tục bị cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa xử phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng do có hành vi vi phạm tổ chức thi công công trình không đúng với giấy phép được cấp. Cơ quan chức năng tỉnh này cũng đình chỉ thi công công trình trên, yêu cầu chủ đầu tư trong vòng 60 ngày phải hoàn chỉnh thủ tục giấy phép xây dựng theo quy định.