Bí quyết “cai nghiện” mạng xã hội cho con bằng sách
Suốt một năm trời, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà Anh, giáo viên tiểu học, ngụ đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TP HCM hết sức phiền não vì chuyện con mình quá phụ thuộc vào thiết bị điện tử, mạng xã hội. Theo chị Hà Anh, con trai 7 tuổi và con gái 10 tuổi của chị rất mê ipad, điện thoại. Cứ hễ cha mẹ bận việc là hai cháu lại cắm cúi dùng điện thoại để lướt web, chơi game, xem phim. Ba mẹ có khuyên nhủ, mắng mỏ nhưng đâu lại vào đấy, các con vẫn lén lút xem, xao nhãng việc học hành.
Nhận ra tính nghiêm trọng của việc con ngày càng sa đà vào thiết bị điện tử, thiếu tập trung trong cuộc sống, thiếu đi sự kết nối gia đình, vợ chồng chị đã quyết tâm dùng cả một kì nghỉ hè vừa qua để giúp con “cai nghiện” thiết bị điện tử bằng cách khuyến khích đọc sách. Chị Hà Anh cho biết đó là một “cuộc chiến” không hề đơn giản khi ban đầu các con kiên quyết “nói không” với sách vì sách không hấp dẫn như các thông tin đang “nhảy múa” trên điện thoại, ipad và tivi kia.
Thế là anh chị mua về khá nhiều loại sách hay, từ truyện tranh đến sách chữ, sách tương tác, với nhiều nội dung khác nhau như giải trí, khoa học, lịch sử, thần thoại... Để các con chịu đọc sách, anh chị đã giao kèo mỗi một ngày sẽ có phần thưởng nếu đọc đạt mốc 5 trang sách, 10 trang sách... Phần thưởng bao gồm các món ăn con yêu thích, các món đồ chơi nho nhỏ con mong muốn. Ban đầu, các con đọc trong tâm thế cố gắng đọc để cha mẹ kiểm tra và “trao thưởng”.
Thế rồi dần dà, hai đứa trẻ bắt đầu tìm thấy sự thú vị trong những trang sách. Cậu em trai 7 tuổi thích thú với các thông tin về lắp ráp ô tô, máy bay trong quyển sách tương tác, còn cô chị gái 10 tuổi thì đọc hết từ những quyển truyện tranh cho đến thần thoại các nước. Không còn chuyện “trả bài” như trước, hai chị em đọc xong là say mê kể cho cha mẹ nghe những nội dung hấp dẫn mình được đọc trong sách. Kết quả là sau một mùa hè, thời gian dùng thiết bị điện tử mỗi ngày của hai đứa trẻ giảm đến 90%. Quan trọng là hai đứa trẻ trở nên yêu thích việc đọc sách, chủ động đọc sách, có thêm nhiều kiến thức mới và cả gia đình cũng trở nên gắn kết với nhau nhiều hơn.
Theo các chuyên gia giáo dục, đọc sách là một trong những phương pháp hữu hiệu trong việc giúp cha mẹ “cai nghiện” thiết bị điện tử và mạng xã hội cho con trẻ và thực tế là không ít cha mẹ đã thành công trong việc tách con ra khỏi thiết bị điện tử bằng những quyển sách hay, phù hợp với con. Như PGS.TS Hoàng Thị Tuyết đã chia sẻ trong một tọa đàm về sách, thói quen đọc sách là cách để phụ huynh giúp con thoát khỏi sức hút khó cưỡng của công nghệ. Bà cho rằng, các em cần được tạo thói quen đọc sách từ bé. Và để làm được điều đó, trong nhà phải có sách và càng nhiều càng tốt.
Không chỉ thế, việc đọc sách có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em. Nó không chỉ giúp mở rộng kiến thức và khả năng ngôn ngữ, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển tư duy, sáng tạo và kỹ năng xã hội.
Các chuyên gia giáo dục nhận định, đọc sách giúp trẻ em tiếp xúc với nhiều từ ngữ mới, cụm từ phong phú và ngữ cảnh sử dụng đa dạng. Điều này giúp mở rộng từ vựng của trẻ và phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt. Khi trẻ nghe hoặc đọc các câu chuyện, trẻ sẽ được tiếp xúc với các cách diễn đạt khác nhau, cách xây dựng câu chuyện và thể hiện cảm xúc. Điều này giúp trẻ học cách sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt ý nghĩa và tương tác xã hội.
Những câu chuyện trong sách cũng thúc đẩy trí tưởng tượng của trẻ, giúp trẻ phát triển sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Việc theo dõi cốt truyện và tìm hiểu về các nhân vật trong sách đòi hỏi trẻ phải suy luận và phân tích thông tin. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng tư duy logic và suy luận một cách linh hoạt.
Về mặt kiến thức, sách cung cấp thông tin về nhiều chủ đề khác nhau, từ khoa học, lịch sử đến văn hóa và xã hội. Việc đọc sách giúp trẻ mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh và khám phá những khía cạnh mới. Đọc sách cũng giúp phát triển khả năng tập trung và kiên nhẫn của trẻ em thông qua việc tập trung vào nội dung và theo dõi cốt truyện qua nhiều trang sách. Và một tác dụng không kém phần quan trọng là đọc sách giúp trẻ học thêm những bài học đạo đức, học hỏi điều hay lẽ phải, thúc đẩy tình cảm, sự gắn kết cha mẹ và con trẻ.
Làm cách nào để con yêu thích việc đọc sách?
Không thể phủ nhận tác dụng tuyệt với của sách đối với sự phát triển về trí tuệ, tình cảm, tâm lý của trẻ. Nhưng với trẻ em ngày nay, vốn bị vây bủa giữa muôn vàn thú vui như mạng xã hội, phim ảnh, gameshow, các trò chơi online hay trực tiếp..., thì việc hướng con trẻ đọc sách và yêu thích sách không phải chuyện dễ dàng mà đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và phương pháp đúng đắn từ phụ huynh.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ có thể dùng đến nhiều cách thức dẫn dụ, nhiều phương pháp để thu hút con đọc sách. Đối với trẻ nhỏ, trước hết cần tạo ra môi trường đọc sách hấp dẫn cho con. Điều này có thể thực hiện tại nhà bằng cách trang trí những “góc đọc sách” xinh xắn với ánh sáng hợp lý để con thư giãn khi đọc sách. Đồng thời có thể đưa con đến những điểm đọc sách như các nhà sách có khu đọc sách riêng cho trẻ, đường sách... để trẻ thấy hứng thú tham gia vào việc đọc. Cha mẹ cũng cần tìm cho con những quyển sách hay, phù hợp với lứa tuổi, tính cách và sự quan tâm của con. Cần chú ý chọn lọc nội dung sách để tránh những sách có nội dung xấu, độc hại “trà trộn” vào môi trường sách, gây hại đến nhận thức con trẻ.
Để hạn chế con sử dụng thiết bị điện tử, thay vào đó có thói quen đọc sách, cha mẹ hãy đặt ra những lịch trình cụ thể cho con, đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội và thiết bị điện tử cũng như xác định thời gian cố định để đọc sách mỗi ngày. Nên biến giờ đọc sách mỗi ngày thành khoảng thời gian vui vẻ với việc cả nhà cùng nhau chia sẻ, thảo luận về nội dung sách, thậm chí có thể đặt ra các trò chơi viết, vẽ lại cảm nhận hoặc nhân vật trong sách cho các con thêm phần hứng thú.
Và điều rất quan trọng, trẻ không thể yêu thích việc đọc nếu cha mẹ của trẻ thờ ơ. Chính vì vậy, bản thân các phụ huynh phải là người làm gương bằng cách tích cực đọc sách, yêu sách và có hiểu biết để có thể chuyện trò, trao đổi với con về các vấn đề từ trang sách.
Trao đổi tại một tọa đàm về sách, nhà giáo dục Lại Thị Hải Lý đã từng đưa ra thí dụ về thói quen đọc sách của người Do Thái được hình thành và nuôi dưỡng như thế nào. Ngay từ những năm đầu đời, trẻ nhỏ đã được làm quen với sách một cách đặc biệt. Người lớn nhỏ mật ong vào trang sách và cho trẻ nếm để dạy trẻ khái niệm đầu tiên rằng sách rất ngọt ngào. Sách và tri thức được tôn thờ trong cộng đồng và có vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ nhỏ.
Theo chuyên gia Lại Thị Hải Lý, với trẻ nhỏ, ngay từ những lúc rất sớm, không nên chỉ đơn thuần là đọc hoặc cho trẻ chơi với sách, mà cha mẹ cần giới thiệu, hướng dẫn con, cùng với việc chỉ cho con cách giữ gìn, trân trọng những cuốn sách.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cũng chia sẻ rằng, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần phải đọc sách cùng con ở bất cứ giai đoạn nào của trẻ, bởi vì điều này không chỉ nuôi dưỡng cảm xúc, phát huy trí tưởng tượng hay kích thích các giác quan của trẻ, mà còn là sự gắn kết trong gia đình, giúp cho trẻ phát triển toàn diện hơn.