Xuống cấp trầm trọng
Khu chung cư Đống Đa (gồm 5 dãy nhà từ 2 đến 5 tầng hiện đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, công năng lạc hậu, chất lượng thấp (nhất là khu nhà A). Toàn khu hiện có 219 hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống với tiện nghi ở thấp, không an toàn.
Ngày 12/5/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có thông báo cho người dân về kết luận kiểm định chất lượng hiện trạng trên cơ sở tham mưu của Sở Xây dựng. Cụ thể, khu nhà A và B, C, D đang ở mức độ nguy hiểm ở cấp độ D và C (khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường; xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể ở khu nhà A và cục bộ ở khu nhà B, C, D).
Đơn vị tư vấn kiểm định cũng đưa ra khuyến cáo, các nhà tại chung cư được đưa vào sử dụng đến nay đã trên dưới 40 năm, thuộc niên hạn sử dụng không an toàn và gần đạt niên hạn sử dụng tối đa cho phép của công trình.
Trước đó, năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương cải tạo đợt 1 khu chung cư Đống Đa tập trung vào 3 dãy nhà A, B, C. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân nên tiến độ thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu.
Cân nhắc việc lựa chọn chủ đầu tư
Tại buổi đối thoại, các ý kiến của đại diện đảng ủy, chính quyền địa phương và đại diện cư dân khu chung cư Đống Đa đều tán thành chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư Đống Đa. Việc cải tạo chung cư sẽ đảm bảo an toàn tính mạng của người dân hiện đang sinh sống tại khu chung cư do công trình đã xuống cấp nặng, có nguy cơ sụp đổ; đồng thời tạo điều kiện thực hiện công tác chỉnh trang bộ mặt đô thị Huế, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, đại diện cư dân cũng bày tỏ lo lắng và đưa ra kiến nghị cần phải chọn được chủ đầu tư có năng lực để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. “Chúng tôi thống nhất với chủ trương của tỉnh trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư Đống Đa vì hiện trạng chung cư quá xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn và cảnh quan khu vực.
Người dân rất mong chủ đầu tư tham gia phải có năng lực kinh tế, cam kết đảm bảo tiến độ thực hiện dự án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhiều dự án ở Hà Nội, TP HCM bị kéo dài rất lâu vẫn chưa hoàn thành, chúng tôi rất lo ngại nếu dự án này cũng vậy” – đại diện các hộ dân chia sẻ.
Dự kiến, việc xây dựng mới khu chung cư Đống Đa được thực hiện trên diện tích hiện trạng khu đất 8.664m2, được bao quanh bởi 3 trục đường (Đống Đa, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần) với quy mô từ 7 - 21 tầng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2024.
Dự kiến, việc bồi thường hỗ trợ tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc tái định cư tại chỗ, căn hộ đổi căn hộ trong phạm vi dự án hoặc thanh toán bằng tiền. Các hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu căn hộ bị giải tỏa được bố trí tái định cư tại căn hộ mới có diện tích sử dụng căn hộ tối thiểu không nhỏ hơn 30m2 sàn. Không phải trả tiền cho chủ đầu tư phần diện tích tái định cư bằng 1,3 lần diện tích ở hợp pháp cũ.
Kết thúc buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định nhấn mạnh, cải tạo xây dựng lại khu chung cư Đống Đa không phải là thu hồi đất của người dân cấp cho chủ đầu tư mà là người dân lựa chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho chính mình.
Chính quyền địa phương sẽ luôn đứng bên cạnh người dân, tư vấn, hỗ trợ và cùng người dân tháo gỡ những vướng mắc. Những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến tham gia của người dân tại buổi đối thoại sẽ được tiếp thu.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện theo đúng trình tự của quy định pháp luật để kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Dự kiến, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án chuẩn bị cho buổi đối thoại trực tiếp với tất cả người dân sống ở khu chung cư này trong thời gian tới.