Cấm bán bia rượu cho người dưới 18 tuổi: Nếu làm chặt đã không xảy ra những chuyện đau lòng

(PLVN) - Sự việc một nữ sinh ở Quảng Trị nghi các nam sinh là bạn cùng lớp xâm hại tập thể đang thực sự rúng động dư luận. Bên cạnh việc lo ngại đạo đức xã hội, đạo đức người trẻ đã có dấu hiệu xuống cấp đến mức báo động, thì còn có nỗi lo về tình trạng người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia, chất kích thích. 
Cấm bán bia rượu cho người dưới 18 tuổi: Nếu làm chặt đã không xảy ra những chuyện đau lòng

Tại cơ quan công an, bước đầu những nam sinh đã khai nhận có chủ ý hãm hại nữ sinh từ đầu bữa tiệc sinh nhật và đã chuốc rượu cho nữ sinh uống say, mất khả năng chống cự rồi thực hiện hành vi xâm hại.

Thử đặt một câu hỏi rằng, nếu như chúng ta kiểm soát chặt việc bán bia rượu cho người dưới 18 tuổi, kiểm soát việc trẻ vị thành niên không được phép uống bia rượu, không được phép đặt chân đến các quán nhậu bán bia rượu thì liệu câu chuyện đau lòng kia có xảy ra hay không?

Nữ sinh kia liệu có bị chuốc rượu đến say mèm để mất khả năng chống cự hay không? Những nam sinh kia liệu có bị men rượu đưa lối, cùng với tâm lý tuổi mới lớn khát khao khám phá bản thân, giới tính mà nảy sinh tà dâm hay không? 

Ở Việt Nam, việc một đứa trẻ đi ra cửa hàng hay siêu thị để mua rượu, bia là thường thấy với lý do đi mua hộ người lớn. Nhân viên cửa hàng không bao giờ thắc mắc và từ chối bán cả. Từ chỗ đi mua hộ và chứng kiến bố, anh, chú bác xung quanh mình uống ào ào, trẻ con cũng rất nhanh chóng tự cho mình cái quyền được thưởng thức bia rượu.

Không khó để thấy những đứa trẻ còn mặc nguyên đồng phục học sinh tụ tập nâng ly tại các quán cóc, quán bia, nhà hàng… Nhiều người bán hàng cho biết, khách hàng mua rượu đủ mọi lứa tuổi và họ chưa bao giờ quan tâm đến tuổi của người mua rượu, mà chỉ quan tâm xem mua rượu gì và mua bao nhiêu. 

Về vấn đề cấm bán đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi, pháp luật Việt Nam đã có hệ thống văn bản tương đối đầy đủ từ trước đến nay. Đó là Nghị định 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu đã có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội đã qui định phạt tiền từ 200.000 -  500.000 đồng đối với một trong những hành vi: xúi giục, cưỡng ép, tạo điều kiện cho trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia; chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi; Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu, và các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi… 

Tuy nhiên, cảnh trẻ con uống bia rượu vẫn tái diễn, phải chăng vì những qui định này sau một thời gian được báo chí tuyên truyền thì rơi dần vào quên lãng, không ai thực thi và các cơ quan có trách nhiệm dường như cũng “quên” hướng dẫn và giám sát thực hiện. Từ khi có qui định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi đến nay chưa có trường hợp nào bị phạt nên chẳng ai sợ cả. 

Được biết, cùng với việc rung hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của đồ uống có cồn đối với lớp trẻ, Hội Y khoa Mỹ cũng kêu gọi ngành truyền hình nước này ngừng chiếu các quảng cáo liên quan tới bia rượu trước 10 giờ tối, hoặc trong các chương trình có từ 15% khán giả trẻ tuổi trở lên. Nhiều nước trên thế giới cũng cấm các tiệm ăn uống, các cửa hàng, siêu thị bán bia, rượu cho người dưới 18 tuổi. 

Ở Việt Nam, công bằng mà nói không phải chủ quán nào cũng phớt lờ chuyện cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi nhưng vì Nhà nước thiếu quy định để giúp người bán hàng nhận diện như qui định những người đủ 18 tuổi phải luôn đem theo chứng minh nhân dân khi muốn mua rượu, cũng như cho phép chủ quán được kiểm tra chứng minh thư của khách… đã làm khó cho chủ quán. 

Có thể nói, với hệ thống văn bản pháp luật của mình về vấn đề cấm bán đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi, Việt Nam cũng không hề là quốc gia thờ ơ với vấn nạn này. Nhưng vì thiếu những hướng dẫn cụ thể, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát thi hành mà luật có cũng như không mà thôi. 

Đọc thêm