Cảm động Tết lính Biên phòng

(PLO) - Từ 28 Tết, đã có những người lính biên phòng mang gùi, bếp, thức ăn lên tuần tra biên giới. Thỉnh thoảng vào vùng “có sóng” chập chờn, các anh vội gọi về cho anh em “cắm” ở đồn: “Tết ở nhà thế nào, ở trên này lạnh lắm”.
Cảm động Tết lính Biên phòng
Những người lính “thèm” có khách
Đồn Biên phòng Phú Gia (Xã Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh) nằm hẻo lánh trên biên giới. Cái hẻo lánh thể hiện rõ mồn một trên con đường hàng chục cây số ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, vắng tanh vắng ngắt.  2 bên đường là vực sâu hoắm.
Xung quang đồn là đồi núi điệp trùng và số hộ dân ít ỏi. Ngày Tết, không khí xuân tràn ngập khắp núi rừng, dân làng sum vầy bên mâm cơm tất niên, năm mới khiến không khí trong đồn thêm quạnh quẽ, chỉ có anh em lính biên phòng với nhau.
Bộ đội Biên phòng đón Tết cùng nhau
 Bộ đội Biên phòng đón Tết cùng nhau
Ấy thế mà, khi chúng tôi vào thăm đồn vào ngày mùng 3 Tết Giáp Ngọ, anh em biên phòng phấn chấn lắm. Đại úy Phan Duy Cường, Phó đồn trưởng mừng rỡ: “Tết đến, nhà nhà sum vầy, còn anh em chúng tôi phải xa gia đình, dù không nói ra, nhưng ai cũng có đôi chút chạnh lòng. Vì thế, khi xuân về trên miền gió núi heo hút này, cảm giác “thèm” có khách”.
Dịp Tết, anh em chiến sỹ chia quân số ra làm 3 phần, 1 phần về nhà, 2 phần ở lại, luân phiên “cắm chốt” để bảo vệ biên giới. Thế nên ai cũng như nhau, từ cấp chỉ huy đến lính nghĩa vụ đều xác định 3 năm thì mới về nhà ăn Tết với gia đình 1 lần.
Chỉ có những người lính với nhau, họ cùng trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà, tăng gia sản xuất. Tết đến, anh em lại lấy lá doong rừng gói bánh chưng, mổ gà, mổ lợn. Cành đào thì sớm được chở từ dưới xuôi lên. Coi như việc chuẩn bị đón Tết khá tươm tất.
Cuộc sống thường nhật vốn chỉ có anh em với nhau đã thành quen. Nhưng khi Tết đến xuân về, ai cũng chạnh nghĩ đến bàn tay người mẹ, người chị, người vợ đảm đang gói bánh, là phẳng bộ quân phục nhuốm màu sương gió của các anh.
Để vơi đi nỗi nhớ nhà, các chiến sỹ thường tổ chức những đêm hội với các tiết mục văn nghệ, múa hát cùng người dân địa phương. Các anh phân công nhau vào thăm hỏi các gia đình xung quanh.
“Tết đến ai chẳng muốn về với gia đình, đặc biệt là những chiến sỹ trẻ. Nhưng chúng tôi đã làm công tác tư tưởng cho anh em từ trước Tết. Vì sự bình yên của đất nước, chúng tôi hy sinh chút hạnh phúc riêng tư cũng là lẽ bình thường”, Đại úy Cường chia sẻ.
Chuyện cảm động trên biên giới
Mùng 3 Tết, trời đổi lạnh sau những ngày nắng ráo. Có những người lính biên phòng mang gùi, bếp, thức ăn lên tuần tra biên giới từ 28 Tết. Thỉnh thoảng vào vùng “có sóng” chập chờn, các anh vội gọi về cho anh em cắm đồn: “Tết ở nhà thế nào, ở trên này lạnh lắm”.
Bộ đội Biên phòng thăm hỏi các gia đình vào dịp Tết
 Bộ đội Biên phòng thăm hỏi các gia đình vào dịp Tết
Đó là 7 anh em năm nay được phân công làm nhiệm vụ trên biên giới. Đây là một công việc khó khăn, vất vả với những chuyến đi bộ có khi đến hàng tuần trên núi, trong rừng với hàng chục cây số đường núi quanh co, hiểm trở. Ban ngày đi dọc biên giới, buổi tối các anh lại mắc võng nằm ngủ trong sương lạnh.
Đêm đến, trời trở lạnh, sương giăng đầy núi. Các chiến sỹ trong đồn thở dài: Sương lạnh, chắc anh em trên biên giới không nhóm được lửa nấu ăn. Tết đến, thay vì ngồi quây quần bên mâm cơm ấm áp, anh em trên đấy lại phải ăn mì tôm sống, cơm nguội”. 
Đó là chuyện của những người lính tuần tra biên giới, khi hòa bình đã về hơn 40 năm, các anh vẫn hành quân giữa mùa xuân để bảo vệ bình yên cho đất nước. Còn những anh em cắm tại đồn, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng.
Thượng úy Nguyễn Mậu Đồng, Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính có lẽ là người vui nhất. Ngày mai, vợ chiến sỹ Đồng sẽ lên đồn Phú Gia thăm chồng.
Vừa cưới vợ 3 tháng nhưng Thượng úy Đồng đã ăn Tết xa gia đình.

 Vừa cưới vợ 3 tháng nhưng Thượng úy Đồng đã ăn Tết xa gia đình.

Đồng mới cưới vợ được hơn 3 tháng. Khi đôi uyên ương còn chưa kịp mặn nồng thì Thượng úy Đồng đã phải xách ba lô lên biên giới nhận nhiệm vụ. Năm đầu về làm dâu, cũng là năm đầu tiên vợ Đồng thiếu hơi ấm chồng khi Tết đến, xuân về.
“Đêm giao thừa, vợ tôi gọi điện, nước mắt rưng rưng, chỉ biết dặn chồng giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thương vợ, nhưng nhiệm vụ phải hoàn thành. Có lẽ, rồi vợ tôi cũng sẽ quen, vì 2 năm tới tôi sẽ tiếp tục ăn Tết ở đơn vị”, Thượng úy Đồng ngậm ngùi.
Còn Binh nhì Lê Thanh Việt đi nghĩa vụ quân sự khi vừa mới rời ghế nhà trường. Trước đó, chưa Tết nào anh phải xa gia đình.
Đêm giao thừa, bố, mẹ, anh chị em đều gọi điện cho Việt. Ai cũng khóc, khiến Việt phải dằn lòng... Nhưng rồi ngày lại ngày qua đi, Việt dần quen với không khí Tết bên anh em chiến sỹ và cảm thấy tự hào về công việc của mình đang làm.
Các anh em tuần tra biên giới, Thượng úy Đồng, Binh nhì Việt hay hàng ngàn người lính biên phòng cũng vậy, đều hy sinh hạnh phúc cá nhân để canh giữ bình yên cho Tổ quốc. Với họ, không có gì quan trọng hơn Tổ quốc, đồng bào...

Đọc thêm