“Ký ức về Tết trong tôi đơn giản lắm – nó thật nghèo so với những chuyến du xuân xuyên Việt, hay những cuộc dạo chơi “tới bến” của giới trẻ bây giờ. Ký ức Tết của tôi là những ngày cuối năm bận rộn. Bố ngồi nhẩn nha chẻ lạt, mẹ lụi cụi rửa lá, vo gạo gói bánh… Còn chị em tôi, đứa ngồi lau lá cho mẹ, đứa tròn mắt xem bố thắt những luộc lạt nuột nà…Sau một ngày tất tả, một đêm ấm cúng cả nhà sum vầy bên đống lửa, sáng 30, tôi có hai chiếc bánh chưng con con bằng cổ tay, tòng teng gánh trên chiếc đòn gánh nhỏ chạy khoe khắp xóm…”. Chị Vân (Cầu Giấy) đã kể về những ngày Tết đáng nhớ của mình như vậy, để lý giải cho nguyên nhân chị vẫn một mực “bày vẽ” gói bánh mỗi dịp Tết về.
Nồi bánh chưng truyền lửa
Chị Vân không phải ngoại lệ của người ưa "bày vẽ" để chuẩn bị đón Tết. Chị Xuân – (Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính) cho biết: “con gái tôi 16 tuổi, 16 năm nay, năm nào Tết đến nhà tôi cũng gói bánh chưng. Khi nhà còn ở trong làng, việc bắc một nồi bánh khá đơn giản. Chuyển về những chung cư như thế này, bắc cái bếp to đùng rất phức tạp, nhưng tôi vẫn cố để duy trì.”.
Chị tâm sự, việc chị cố đun bánh chưng cho ngày Tết như một cách để chị giữ mãi những kỷ niệm thời thơ ấu của mình bên bố mẹ. Và cũng là cách để dạy con về truyền thống dân tộc. Mong sau này còn sẽ có những ký ức tuổi thơ không dễ kiếm tìm lại.
“Tôi tự hào về những truyền thống của người Việt. Tôi xác định sau này con tôi sẽ đi du học. Có thể cuộc sống của cháu sẽ không ở Việt Nam nhiều. Vì thế, tôi cố gắng hết sức có thể để nuôi dưỡng cho con gái tôi một tâm hồn Việt, một truyền thống Việt.”
Từ khi gia đình chị Xuân về sinh sống tại khu đô thị này, những nhà hàng xóm của chị như cũng được “truyền lửa” bởi những nồi bánh chưng ngày Tết. Vài năm đầu tiên, nồi bánh chưng lẻ loi được bắc lên giữa những con mắt kỳ thị của hàng xóm.
Người dè bỉu cho rằng nhà chị nghèo, phải gói gém cho đỡ chi phí. Người biết tiềm lực kinh tế của ông chủ một tập đoàn xây dựng lại trách anh chị “bày vẽ”. Nhưng cũng chẳng biết từ lúc nào, khi những tất bật cuối năm lắng xuống, khi phố xá đã bớt ồn ã, nồi bánh chưng nhà chị là điểm hẹn lý thú của những người thành phố xa quê.
Bên nồi bánh chưng của nhà chị, câu chuyện râm ran về những cái Tết của nhà tôi ngày xưa thế này, bánh của nhà tôi ngày xưa ra sao, bố mẹ chúng tôi đã làm thế này, thế kia cho trẻ con ngày Tết… cứ chộn rộn lan dần cả hàng chục tầng căn hộ chung cư. Bên nồi bánh chưng, đêm tưởng như cũng đặc quánh, cũng li ri những bản hòa tấu đồng quê của một miền quê xa lắc nào đó thời mấy chục năm về trước.
Vui nhất là bọn trẻ con. Chúng dường như được bố mẹ “thả” cho chơi đùa thoải mái như cái thuở bố mẹ chúng được chạy khắp xóm xem nồi bánh nhà nào to hơn, bánh nhà ai vớt sớm hơn. Những đứa lớn thì ngồi lắng nghe câu chuyện về Tết xưa của bố mẹ như một “bản trường ca” cổ tích năm nào cũng kể mà không bao giờ chán. Bây giờ, không chỉ nhà chị Xuân, mà nhiều hộ gia đình khác cũng gói bánh chưng, mỗi khi Tết về.
Gieo những hạt mầm Xuân
“Tính ra, đi mua bánh rẻ hơn nhiều. Gói thì ai lại chỉ một, hai cái. Rồi lại còn tiền củi lửa. Quan trọng nhất là thời gian ấy. Cuối năm bận lắm. Nhưng chúng tôi vẫn quyết gói bánh chưng Tết. Cả năm, dường như con tôi chỉ nhớ nhất ngày gói bánh chưng” – chị Thanh Loan – cũng một cư dân của chung cư này chia sẻ lý do Tết nào chị cũng cố “bày vẽ” để nấu bánh, hay làm vài món ăn truyền thống nào đó cho ngày Tết.
Không chỉ là những câu chuyện về Tết xưa như chị Xuân và những người trong khu nhà chị, chị Thùy Linh (Kim Mã) chia sẻ những niềm vui khi làm mứt cùng con:
“Nói quá lên một chút, tôi cảm giác như mình là một người nghệ sỹ thăng hoa khi được con cổ vũ. Nó “à, ồ” thích thú khi mẹ biến củ khoai tây méo mó thành những hình con thỏ, con bướm xinh xắn. Rồi nó lo lắng những hình thù này sẽ thành một đống như bát súp khoai tây buổi sáng của mẹ. Lại còn khâu nhuộm màu. Nó gọi mẹ là “phù thủy sắc màu” khi nhuộm đủ ngũ sắc cho đống mứt mà không cần đến một thứ phẩm màu nào. Tôi nghĩ, đó là những bài giảng khoa học bổ ích cho con. Vậy nên năm nào cũng vậy, mẹ con tôi chờ Tết về là lại cùng nhau khám phá!. Vui nhất là khi đến trường đón con. Các bạn con ùa ra hỏi han tíu tít, đòi được đến nhà học làm mứt, còn con thì ánh mắt rạng ngời tự hào về mẹ”.
Tết này nhà chị Xuân không chỉ có bánh chưng. Cô con gái 16 tuổi của chị đã được mẹ gieo cho những hạt mầm nho nhỏ của niềm hứng thú với Tết Việt. Nghe con thỏ thẻ: “Mẹ, mẹ còn nhớ cách bà ngoại chỉ mẹ làm mứt không. Tết này mẹ chỉ con làm đi!”, chị rưng rưng cảm động. Nỗ lực 16 năm của chị dường như đã nhìn thấy thành quả. Lại thêm một công việc cho những ngày cuối năm bận bịu đến mệt nhoài. Nhưng chị thấy Tết này sao mà hạnh phúc thế.