Cán bộ 'gặp nạn', dư luận 'dậy sóng'

(PLO) - Ông Cục phó bị mất trộm gần 400 triệu đồng tại một khách sạn ở Long An khi ông đang là Trưởng đoàn kiểm tra việc đảm bảo môi trường của các doanh nghiệp nơi đây đã bị triệu hồi về Hà Nội và dừng việc kiểm tra lại.
Nhà nghỉ nơi ông Cục phó mất tiền.

Chỉ là một vụ mất trộm thôi mà dư luận đã dậy lên những lời đồn đoán, tìm câu trả lời xác thực cho chuyện tiền ấy ở đâu ra, có đúng là “vợ đưa, nhờ chuyển giúp” như lời ông nói với báo chí không và có thật là “vụ trộm” đã xảy ra? Rồi cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời xác đáng vì vụ việc đã vỡ lở đến độ công khai cả nước biết thì không thể “giải quyết nội bộ” và trong im lặng được.

Tuy nhiên, bằng những diễn biến ban đầu được tiết lộ có thể thấy những uẩn khúc trong “vụ trộm” này, chẳng hạn, cơ quan điều tra tìm thấy nhiều phong bì đã bóc trong phòng ông, những thứ đáng giá khác như laptop hoặc số tiền bằng đô la không bị mất, khi lập biên bản có vợ ông chủ khách sạn chứng kiến việc này.

Điều rất đáng quan tâm là những “vụ trộm” như thế này đều khiến dư luận nghi ngại về nguồn gốc không rõ ràng của tài sản bị mất trộm. Trước đây, nhiều vụ trộm trong nhà riêng hoặc phòng làm việc của quan chức đã xảy ra và bao giờ cũng là những món tiền và tài sản rất lớn, có trường hợp khi bắt được thủ phạm của vụ trộm mới lộ ra là tài sản chúng trộm được lớn hơn rất nhiều số lượng mà khổ chủ khai báo ban đầu. Nếu không là một sự bất minh thì việc gì phải giấu diếm nên trải qua nhiều chuyện như vậy, dư luận nghi ngờ là có cơ sở.

Không chỉ chuyện mất trộm mà nhiều sự cố, sự kiện, vụ việc xảy ra cũng khiến người ta nghi ngại và không tin hoàn toàn vào các thông tin được cung cấp. Chẳng hạn như trước sự bổ nhiệm một người “tuổi trẻ, tài cao” thì lập tức có sự nghi ngờ xuất hiện: “Đồng chí này là con đồng chí nào?”, hoặc, phát hiện một khối tài sản khổng lồ của cán bộ lãnh đạo thì không ai tin vào việc bằng sức lao động chân chính mà có,... Các sự việc thông thường như tăng giá, thu phí, xây dựng, thậm chí kể cả việc thực thi pháp luật... luôn luôn có một sự nghi ngờ thường trực là không hiểu những thứ đó có mang lại lợi ích cho đất nước không hay lại rơi vào túi của “lợi ích nhóm”.

Những thực trạng kể trên là những dẫn chứng cho thấy niềm tin đang bị xói mòn nghiêm trọng và khi bất cứ việc gì cũng tạo ra một sự nghi ngại. Và đã như vậy thì làm việc gì cũng vấp phải trở ngại. Một lần nữa lại cho thấy sự kiến tạo muốn thành công thì phải xây dựng trên cơ sở minh bạch.

Đọc thêm