Cán bộ ngân hàng làm sai, bên bảo lãnh có nguy cơ “ra đường”

(PLO) - Đành rằng khi đem tài sản bảo lãnh cho người khác vay tiền ngân hàng mà người đó cố ý làm giả hồ sơ thì coi như là “giao trứng cho ác”. Nhưng nhiều trường hợp, chính sự thiếu trách nhiệm và năng lực chuyên môn kém của cán bộ tín dụng mới là nguyên nhân chính dẫn đến việc bên bảo lãnh mất tài sản. Vụ việc xảy ra ở Phú Thọ dưới đây là bài học cho cả bên bảo lãnh và bên ngân hàng.
Bà Vũ Thị Chiến bên căn nhà dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản văy của vợ chồng Thắm- Năm.
Đem nhà cửa bảo lãnh cho phương án kinh doanh giả
Phản ánh với Báo PLVN, bà Vũ Thị Chiến (trú tại khu 3, phường Gia Cẩm, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết: Vào thời điểm tháng 8/2012, bà đưa tài sản là 123,4m2 đất tại thửa 142 tờ bản đồ số 22, số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  AD 576800 do UBND TP.Việt Trì cấp ngày 13/10/2005 làm tài sản đảm bảo cho hợp đồng tín dụng giữa Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương - Chi nhánh Phú Thọ (nay là Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam) với vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thắm và anh Vũ Mạnh Năm (trú tại khu 3, phường Gia Cẩm, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Theo Hợp đồng tín dụng trên, ngân hàng cho vợ chồng chị Thắm vay 850.000.000 đồng để bổ sung vốn lưu động kinh doanh gas, thời hạn vay là một năm. Ngoài tài sản của bà Chiến đảm bảo cho khoản vay 350 triệu đồng, hợp đồng này còn được bảo đảm cùng với tài sản khác là nhà đất tại khu 3, phường Gia Cẩm, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ mang tên bà Trần Thị Đào, đảm bảo dư nợ cho vay 500 triệu đồng.
Nhằm chứng minh cho việc sản xuất kinh doanh, cần vay vốn, vợ chồng chị Thắm, anh Năm đưa vào hồ sơ vay vốn 2 phiếu xuất kho của Cty CP Gas Phú Thọ đề ngày 02, 03/8/2012 ghi người nhận hàng là: “Đại lý gas Năm Thắm; lý do xuất kho có ghi: “hàng tích kho”, số lượng 1.500 bình gas, thành tiền 825 triệu đồng”.
Sau khi vợ chồng Thắm – Năm trình hồ sơ vay vốn, bà Hoàng Thị Việt Hà (cán bộ tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương - Chi nhánh Phú Thọ) căn cứ vào 2 phiếu xuất kho để đánh giá năng lực bên vay và đến ngày 2/8/2012 thì lập tờ trình thẩm định đề xuất duyệt cho chị Thắm được vay vốn phục vụ bổ sung vốn sản xuất kinh doanh. Ngày 10/8/2012, bà Hà lập biên bản kiểm tra sử dụng vốn, trong đó thể hiện: “Khách hàng đáp ứng tốt nghĩa vụ trả nợ, lãi và vốn gốc vay theo quy định”, xác định chị Thắm có hàng tồn kho tại Công ty là 1.500 bình gas, trị giá 1,1 tỷ đồng và kết luận chị Thắm “hoạt động kinh doanh có hiệu quả”.
Nhưng đến cuối tháng 7/2013, khi khoản vay sắp đến hạn trả nợ thì gia đình chị Thắm kinh doanh thua lỗ và mất khả năng thanh toán. Khi đó, gia đình bà Đào, bà Chiến được ngân hàng mời đến để làm việc (với tư cách là bên bảo lãnh) về nguyện vọng và kế hoạch trả nợ cho ngân hàng. 
Hồ sơ khống, cán bộ tín dụng thẩm tra nhiều lần vẫn “xác nhận”
Như trên đã nói, bà Hoàng Thị Việt Hà - cán bộ tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương - Chi nhánh Phú Thọ đã hai lần đi xác minh hồ sơ vay vốn và thực trạng sử dụng vốn vay đều xác nhận tốt cho khách hàng, khẳng định anh chị Thắm - Năm có hàng hóa, có phương án kinh doanh đảm bảo thực hiện hợp đồng tín dụng.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc ngày 27/6/2015, trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, ông Lê Hữu Cương - Giám đốc Cty CP Gas Phú Thọ - xác nhận hai phiếu xuất kho nói trên là phiếu giả, không phải do Cty phát hành. 
Do phát hiện ra khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích (không phải vào mục đích sản xuất kinh doanh như đã nêu trong hồ sơ vay vốn), căn cứ theo Hợp đồng tín dụng đã ký, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chấm dứt việc cho vay, thu nợ trước thời hạn. 
“Chúng tôi đưa tài sản ra bảo lãnh cho vợ chồng Thắm – Năm vay tiền đã được cán bộ tín dụng kiểm tra sử dụng vốn vay, xác định chị Thắm “sử dụng vốn vay đúng mục đích nên rất yên tâm. Nếu ngay từ đầu bà Hà làm đúng trách nhiệm, đến thực tế kiểm tra, chụp ảnh số hàng tồn kho vào hồ sơ thì đã phát hiện sự gian dối, chúng tôi đã không phải bảo lãnh cho một phương án kinh doanh giả tạo” - bà Chiến than.
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, Luật sư Nguyễn Quốc Tân - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Quốc Tân (Đoàn Luật sư Phú Thọ) cho rằng, nếu cán bộ tín dụng coi nhẹ việc thẩm định tài sản như trên sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp, việc cán bộ tín dụng cố ý bỏ qua các nguyên tắc trong xác minh, thẩm tra hồ sơ vay vốn, lơi lỏng quá trình giám sát sử dụng vốn vay đồng nghĩa với việc đã tiếp tay cho chính người vay lừa đảo, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bảo lãnh, vừa cũng gây thiệt hại cả tài chính và uy tín cho ngân hàng.

Đọc thêm