Cần cân nhắc khi xử lý, phá dỡ nhà cao tầng xây dựng sai phép

(PLO) -Việc xử lý và tháo dỡ công trình sai phép là việc cần phải làm, tuy nhiên, sẽ rất phức tạp và tốn kém. Do đó, rất cần sự quản lý chặt chẽ của Sở Xây dựng, thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương để hạn chế tối đa những công trình sai phép.

Tại Thủ đô hiện nay, bên cạnh những công trình được phép xây dựng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thì lại có hàng loạt những công trình cao tầng vượt phép và trái phép ngang nhiên tồn tại, gây nên nhiều bức xúc cho người dân và các cơ quan quản lý. Việc xử lý và tháo dỡ công trình sai phép là việc cần phải làm, tuy nhiên, sẽ rất phức tạp và tốn kém. Do đó, rất cần sự quản lý chặt chẽ của Sở Xây dựng, thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương để hạn chế tối đa những công trình sai phép.

Nhà cao tầng Việt Nam thường áp dụng giải pháp hệ kết cấu khung giằng, hệ thống vách lõi cứng chịu chủ yếu tải trọng ngang và có khả năng phân tán năng lượng lớn, hệ khung chủ yếu chịu tải trọng thẳng đứng; gần đây đã sử dụng kết hợp thêm kết cấu sàn và dầm chuyển dự ứng lực. Phần lớn nhà cao tầng cũng nằm lẫn trong các khu dân cư, xung quanh là nhà thấp tầng hoặc trong khu nhà cao tầng.

Do vậy, việc thực hiện phá dỡ phần công trình vi phạm là rất khó khăn và phức tạp, đặc biệt những phần vi phạm thuộc về phần ngầm thì không thể phá dỡ vì sẽ loại bỏ gần như toàn bộ công trình cả ở phần chìm lẫn phần nổi nếu đã thi công xong một phần hoặc toàn bộ phần thân công trình.

Theo tính toán, hệ kết cấu chịu lực chính của công trình được thiết kế thường là kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, liên kết chặt chẽ tạo thành một hệ khung không gian ổn định. Do vậy, công trình sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí không đảm bảo an toàn trước tác động của các loại tải trọng nếu cục bộ một cấu kiện hay bộ phận nào mất khả năng chịu lực hoặc bị biến dạng và chuyển vị. Về mặt kỹ thuật, việc phá dỡ kết cấu nói chung, kể cả kết cấu chính như vách hay lõi cứng là khả thi, nhưng đây lại là kết cấu chịu lực chính của công trình nên việc phá dỡ vách, lõi cứng cần hạn chế.

Phần phá dỡ theo chiều cao (cắt ngọn) đã khó nhưng phần phá dỡ giật cấp theo một phương, đồng thời cả hai phương theo mặt bằng công trình lại càng phức tạp. Liên quan đến tải trọng ngang và tải trọng động đất, việc thay đổi hình dáng so với ban đầu cũng làm mất tính đều đặn theo phương đứng, nên hệ số ứng xử công trình cũng bị thay đổi đáng kể, dẫn đến thay đổi tác động của tải trọng động đất tới công trình.

Trong thiết kế nhà cao tầng, việc phải bố trí các kết cấu chuyển, kết cấu treo, dự ứng lực đã ngày càng trở nên thông dụng ở nước ta. Nếu công trình phải phá dỡ có loại kết cấu này thì không chỉ ảnh hưởng nặng đến kết cấu cục bộ mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh kiến trúc công trình.

Với tính chất của bê tông, khi phá dỡ các chấn động và rung động, chắc chắn sẽ làm om kết cấu bê tông cốt thép phần dưới, các cốt liệu bị rời rạc, cấu trúc bê tông cũng bị phá hủy. Bên cạnh đó, lượng thép trong kết cấu bê tông là dày và nhiều nên việc phá dỡ sẽ làm giảm khả năng liên kết thép, bê tông.

Về cấu tạo, việc phá dỡ cũng dẫn đến các cấu tạo sai khác so với ban đầu. Các nút khung, các nút liên kết giữa cột vách và dầm nối ở các vách cứng hay lõi cứng là những vị trí tập trung nội lực lớn. Khi phá dỡ sẽ xảy ra hư hỏng cục bộ. Trong phá dỡ, sẽ để lại kết cấu thừa, đây là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn chịu lực và thẩm mỹ kiến trúc. Không chỉ với kết cấu chính, các cấu kiện kháng chấn phu, các bộ phận kiến trúc, điện, cơ khí chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi phá dỡ. Nói chung, sẽ mất nhiều thời gian cho phá và tháo dỡ do phải làm thủ công và kéo theo đó là chi phí phá dỡ cũng đáng kể.

Hiện nay, đối với các công trình sai phép, biện pháp chủ đạo trong phá dỡ là thủ công, các dụng cụ cầm tay là chính để tránh rung động và đập vượt quá giới hạn cho phép. Cần phải có các quy định về sử dụng hóa chất trong việc phá bỏ kết cấu bê tông cốt thép đối với công trình dân dụng. Biện pháp thi công giám sát cần hết sức chặt chẽ và nhà thầu thi công phá dỡ phải có đủ năng lực…

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những yếu tố thuộc phần kết cấu thô của công trình đã thi công xong buộc phải phá dỡ. Đối với công trình đã thi công xong cả phần lắp đặt thang máy, thiết bị, mặt dựng… thì kéo theo nhiều phức tạp hơn. Các đường ống, dây dẫn của các hệ thống kỹ thuật gắn hay đi ngầm trong công trình sẽ bị ảnh hưởng mà không kiểm soát được sẽ phải tháo dỡ toàn bộ trước khi thi công tháo dỡ, nếu không có thể gây ra sự cố đáng tiếc. Thay đổi về mặt bằng, mặt đứng cộng với các yếu tố trên có thể sẽ ảnh hưởng đến giải pháp phòng chống cháy cho công trình. Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn lao động và môi trường đối với các nhà cao tầng ngay sát khu dân cư phía dưới.

Với các phân tích này cho thấy, việc phá dỡ là bắt buộc đối với công trình đã vi phạm, tuy nhiên, cần xem xét cụ thể với từng đối tượng công trình, loại kết cấu, mức độ công trình hoàn thành, vị trí công trình, biện pháp phá dỡ, tiến độ… và tính đến các vấn đề khác liên quan để có biện pháp xử lý khác nhau nhằm yêu cầu phá dỡ toàn bộ hay một phần.

Đọc thêm