Hạm đội thứ tư bí ẩn này được cho là sẽ đóng tại đảo Hải Nam, bất chấp việc đảo này nằm trong phạm vi trách nhiệm của hạm đội Nam Hải và cách xa Ấn Độ Dương một quãng. Vì lý do đó, nhiều người cho rằng, triển vọng Trung Quốc lập hạm đội cai quản khu vực Ấn Độ Dương hoàn toàn chỉ là đồn đoán hay giỏi lắm là lực lượng rỗng chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Hạm đội bí ẩn
Một điều hiển nhiên là cần thận trọng đối với việc thổi phồng tiềm lực quân sự của Trung Quốc hoặc thực ra là các tham vọng của họ. Việc giữ cách nhìn xấu nhất đối với hải quân Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương có thể làm lu mờ những lo ngại khiêm tốn hơn, nhưng thực tế hơn về các vai trò có thể khác của hạm đội thứ tư đóng ở đảo Hải Nam.
Hòn đảo này nhìn ra Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang đưa ra cái gọi là yêu sách lãnh thổ “lịch sử” rộng lớn với “đường 9 đoạn” tai tiếng bao trùm gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Các sự cố trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, xảy ra ngày càng nhiều.
Hải quân Trung Quốc dĩ nhiên là đang tìm cách tăng cường sự hiện diện trên đảo này. Mới đây, tại điểm cực nam đảo Hải Nam, trên vịnh Á Long, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ hải quân Longpo. Đây là bến cảng nước sâu với các bến đỗ cho tàu ngầm, một căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất với đường hầm ra vào, một cơ sở khử từ để giảm từ tính tồn lưu trên vỏ tàu.
Chiến hạm Trung Quốc. |
Hải quân Trung Quốc hiện có căn cứ hải quân Du Lâm ở phía tây Longpo dùng để bảo đảm cho các tàu ngầm thông thường của họ. Có tin ở đây cũng đã có các cơ sở bảo đảm cho tàu nổi và xây dựng các bến tàu mới.
Tổ hợp Hải Nam là cơ sở cho hạm đội Nam Hải đang phát triển nhanh chóng. Từng là hạm đội kém quan trọng nhất trong 3 hạm đội của Trung Quốc, hạm đội Nam Hải nay đã trở thành đơn vị chủ yếu được tiếp nhận các tàu chiến viễn dương tiên tiến của Trung Quốc.
Trong đó có tàu ngầm hạt nhân lớp Thương; các tàu ngầm thông thường (các lớp Kilo, Tống và Nguyên); tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Tấn; khoảng 10 tàu khu trục; tàu frigate tên lửa tiên tiến nhất và 3 tàu đổ bộ mới. Tổng cộng là 29 tàu nổi cỡ lớn.
Ngoài ra, theo John Patch, các tốc hạm tấn công ba thân lớp Houbei chủ yếu được triển khai biên chế cho các hạm đội Đông Hải và Nam Hải. Các tàu nhỏ, rẻ tiền này có thể có tầm hoạt động và khả năng phòng thủ hạn chế, nhưng chúng lại có khả năng tác chiến chống hạm rất mạnh khi mỗi tàu được trang bị 8 tên lửa hành trình chống hạm tầm xa.
Mục tiêu kiểm soát biển Đông
Hạm đội Nam Hải có thể trú đóng ở Trạm Giang trên lãnh thổ đại lục. Nhưng xét đến các căn cứ tàu ngầm và tàu chiến mặt nước tại tổ hợp hải quân ở Hải Nam thì rõ ràng là hòn đảo này đang đóng vai trò ngày một quan trọng trong hoạt động của hạm đội.
Một mặt, nó có thể được xem như một pháo đài tiềm tàng của tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo vốn là lực lượng răn đe hạt nhân dưới mặt nước của Trung Quốc. Trong đó, các tàu ngầm tấn công, tốc hạm tấn công và hạm đội tàu nổi với khả năng chống hạm và phòng không sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ cho các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn trước các vũ khí chống ngầm tiềm tàng.
Mặt khác, việc tăng cường hải quân này có thể giải thích ở các điều kiện mang tính tiến công hơn; ít hơn về việc bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và nhiều hơn về gia tăng khả năng kiểm soát biển của Trung Quốc.
Trước khi cho phép tung sức mạnh lớn hơn tại khu vực Ấn Độ Dương, nhiều khả năng chúng được trù tính cho các hoạt động ở các vị trí có tầm quan trọng chiến lược sống còn như Biển Đông đầy tranh chấp. Các tàu ngầm tấn công tạo ra khả năng uy hiếp tàu ngầm và tàu nổi cực lớn, còn các tàu khu trục/frigate tên lửa thì có thể bảo vệ cho hạm đội tàu tên lửa ba thân và tàu đổ bộ của Trung Quốc.
Trung Quốc cải tạo đảo đá tại bãi Gạc Ma mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam sau sự kiện 14/3/1988. |
Khả năng đó chiếu ánh sáng lo ngại vào những tiết lộ gần đây về việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trên nhiều đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các báo cáo cho thấy, Trung Quốc có lẽ đang xây dựng một đường băng cất-hạ cánh và một tháp phòng không, những yếu tố có thể củng cố tiềm lực của Trung Quốc hoạt động xung quanh quần đảo Trường Sa.
Điều đó sẽ đặc biệt đúng nếu như một số trong các công trình này có thể bảo đảm chi viện vật chất-kỹ thuật cho các tàu tên lửa ba thân tầm hoạt động gần, qua đó triệt tiêu được một trong những nhược điểm chí mạng của các sát thủ chống hạm này.
Thật khó nói cách lý giải nào về hoạt động hải quân của Trung Quốc là đúng và có thể nhiều khả năng là cả hai cách tiếp cận hiện nay đang được áp dụng cùng lúc.
Trung Quốc nói cho cùng cần có lá chắn bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của họ để bảo đảm thành công cho chiến lược pháo đài vốn đòi hỏi có khả năng kiểm soát biển để có thể sử dụng ở mức độ như nhau chống lại các đối thủ khác ở Biển Đông.
Quả thực một pháo đài tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đại ở gần đảo Hải Nam về logic sẽ đặt khả năng của Trung Quốc kiểm soát vùng biển gần xung quanh là ưu tiên hàng đầu.
Thay vì bị đánh lạc hướng vào hành động nghi binh vô căn cứ như thành lập hạm đội thứ tư phụ trách Ấn Độ Dương, chúng ta cần chú ý đến những sự kiện trực tiếp và cụ thể hơn này. Nếu không, sẽ không chỉ có hại từ góc độ an ninh mà còn ấu trĩ về mặt chiến lược.