Chỉ nhằm thu hút khách du lịch?
Dự án Dịch vụ Tân Huê Viên - Liên hoa Bảo tháp do Tân Huê Viên làm chủ đầu tư được xây dựng trên phần đất thuê 42 ngàn m2 thời hạn 49 năm (thuộc KCN An Nghiệp, QL1A, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ.
Dự án bao gồm nhiều hạng mục, trong đó điểm nhấn được miêu tả là tòa tháp hình hoa sen (có tên là Liên hoa Bảo tháp), chiều cao 68m, đường kính 119m, phần trung tâm tháp là 16 tấm thép lớn mô phỏng cánh hoa sen. Phần trung tâm tháp được đặt một pho tượng nặng 19 tấn, chiều cao 6,8m (dự kiến pho tượng sẽ được dát 88 lượng vàng). Chủ đầu tư đã tiến hành lễ đúc tượng vào ngày 14/8/2019. Hiện dự án đang ở giai đoạn thi công nền móng.
Dự án thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận không chỉ vì thắc mắc vì sao một DN “chuyên sản xuất và kinh doanh các loại bánh kẹo” lại xây công trình không liên quan gì đến ngành nghề mình đang kinh doanh? Trong cuộc họp báo giao ban với Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng sáng 6/9, các phóng viên đặt vấn đề về việc Tân Huê Viên xây Liên hoa Bảo tháp có đúc tượng để thờ bên trong là có phù hợp, đúng quy định pháp luật hay không? Nếu sau này Nhà nước thu hồi đất để làm việc khác thì tượng có di dời dễ dàng?
Trước những câu hỏi báo chí đặt ra với cơ quan chức năng, trong buổi họp báo trên, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng Dương Quốc Việt hứa tổng hợp ý kiến trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét trả lời.
Về phía ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (BQLCKCN), xác nhận với báo chí khu đất Tân Huê Viên đặt tượng là thuê của Nhà nước 49 năm. Công trình này do BQLCKCN cấp phép xây dựng vì “khu đất này được quy hoạch du lịch - dịch vụ”.
“Công ty xây đài sen, bên trong đặt tượng nhỏ thôi, nhằm thu hút khách du lịch chứ không có mục đích tôn giáo gì hết. Nghị định 82 của Chính phủ có nói về KCN đô thị. Vì vậy, tỉnh khuyến khích vừa thực hiện KCN kết hợp phát triển đô thị dịch vụ du lịch”, ông Trong nói.
Dấu hiệu sai quy hoạch, tính pháp lý chưa rõ ràng
Trả lời trên của ông Trong có đúng hay không? Tại sao công trình được Tân Huê Viên giới thiệu quy mô, nhưng ông Trong lại nói “nhỏ thôi”?
Trên trang web soctranginvest.soctrang.gov (Cổng thông tin điện tử hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 của Sở KH&ĐT) có giới thiệu KCN An Nghiệp có tổng diện tích 251,13ha được quy hoạch xây dựng theo mô hình KCN hiện đại. Diện tích xây dựng các xí nghiệp công nghiệp 163ha, chiếm 60% tổng diện tích, phần còn lại dành cho các công trình công cộng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông. Nội dung giới thiệu không thấy nhắc đến đất “dịch vụ du lịch”.
Ngoài ra, quá trình thu thập hồ sơ, PV nhận thấy, ban đầu tại Quyết định số 2867/QĐ-UBND ngày 30/10/2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc cho Tân Huê Viên thuê 14 ngàn m2 đất trong KCN An Nghiệp là để “thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến”, chứ không thấy có “dịch vụ - du lịch”. Được biết là sau này có quyết định cho thuê thêm đất nên Tân Huê Viên mới có diện tích 42 ngàn m2 để triển khai công trình như đã nêu.
LS Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP HCM), nhận xét: “Trả lời của Trưởng BQLCKCN Sóc Trăng là rất chung chung, chưa đưa ra được cụ thể văn bản nào, số hiệu bao nhiêu”.
“Cơ quan chức năng nói trong KCN này có hạng mục du lịch văn hóa và cấp phép xây dựng Liên hoa Bảo tháp là phục vụ cho mục đích thờ cúng tín ngưỡng của công ty chứ không phải là cơ sở tôn giáo. Nhưng chưa thấy trưng ra giấy tờ chứng minh KCN này mục đích sử dụng đất làm gì, có hạng mục nào quy hoạch liên quan du lịch hay không? Thứ hai, cần xem xét công trình dựng tượng quy mô đến mức nào, nếu nói chỉ phục vụ cho mục đích cho Tân Huê Viên để tín ngưỡng, nhưng nếu người dân kéo đến viếng thì ai cản được, cản như thế nào?”.
Còn có thắc mắc BQLCKCN có được phép cấp phép xây dựng công trình trên hay không? LS Trí cho hay cần làm rõ khi thành lập đơn vị này, UBND tỉnh đã ủy quyền cho BQLCKCN được phép cấp phép những hạng mục nào, quy mô ra sao? Điều này được quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 về quản lý KCN, Khu kinh tế (thay thế Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày14/3/2008). Khi xin phép có kèm bản vẽ, quy mô, thiết kế chi tiết hay không?
Về trả lời của ông Trong rằng “Nghị định 82 có nói về KCN đô thị” nên “tỉnh khuyến khích vừa thực hiện KCN kết hợp phát triển đô thị dịch vụ du lịch”; trả lời này, theo LS Trí là chưa đúng. “Bởi vì Nghị định 82/2018/NĐ-CP mới ra đời năm 2018, còn KCN này ra đời cách đây hơn 10 năm. Thời điểm đó, chỉ có KCN có diện tích từ 500ha trở lên và có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng – kinh doanh kết cấu hạ tầng thì mới được phép quy hoạch là KCN gắn liền khu đô thị. Do KCN An Nghiệp nhỏ hơn 500ha nên không được quy hoạch có khu đô thị”.
“Do đó, cần xem xét KCN này đã được cấp phép chuyển đổi từ KCN sang KCN đô thị hay chưa? Nếu chưa và KCN này không có quy hoạch hạng mục dịch vụ - du lịch thì việc cấp phép cho công trình của Tân Huê Viên là sai. Tóm lại, dư luận có quyền nghi vấn đây là một toan tính. Khi hết thời hạn 49 năm thuê đất, lúc đó ai đảm bảo dám tháo dỡ một công trình liên quan tín ngưỡng?”, LS Trí nói.
Với công trình thờ cúng cao 68m, đường kính 119m, có pho tượng nặng 19 tấn dát vàng, luật quy định ra sao? Nếu là công trình tôn giáo tín ngưỡng thì có buộc phải qua cơ quan chức năng thẩm định cấp phép? Có được phép đặt trên đất thuê Nhà nước?
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong các số báo tới.