Trong các tài liệu về “các nguyên tắc và hướng dẫn về liêm chính” được đăng tải trên website adb.org, “sai phạm về liêm chính” được hiểu là bất cứ hành vi nào vi phạm chính sách chống tham nhũng của ADB, bao gồm hành vi tham nhũng, gian lận, ép buộc, hoặc hành vi thông đồng, lạm dụng, xung đột lợi ích và hành vi cản trở.
Cuối năm 2019, Thanh tra Chính phủ, ADB, OECD đã phối hợp tổ chức Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Cuộc họp về thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại hội nghị này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua các dự án có quy mô lớn ngày càng tăng vọt trong những năm gần đây cũng kéo theo đó nguy cơ tham nhũng lớn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
"Đây là một thách thức lớn mà nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói.
Một trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy liêm chính và phòng chống tham nhũng đã được Chính phủ cụ thể hóa tại Điều 7, Nghị định 16/2016/NĐ-CP về Quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Trong đó khoản 3,4 của điều này quy định: Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư, phản ánh liên quan đến công tác đấu thầu gói thầu HG-CS01 về Tư vấn Giám sát Xây dựng thuộc Khoản vay ADB số 3591-VIE: Dự án Phát triển các Đô thị loại hai Xanh – Tiểu dự án Hà Giang.
Được biết, Dự án Phát triển các Đô thị loại hai Xanh được triển khai tại Vĩnh Phúc, Huế và Hà Giang; ký kết vay vốn của ADB tại Khoản vay thông thường số 3590-VIE và Khoản vay ưu đãi số 3591-VIE, với tổng giá trị các khoản vay lần lượt là 50 và 120 triệu USD nhằm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị tại 3 thành phố hướng tới các đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó Tiểu dự án Hà Giang được phân bổ 38 triệu USD Khoản vay ưu đãi.
Theo tài liệu PLVN nhận được, yêu cầu nộp hồ sơ đề xuất cho Gói thầu HG-CS01 đã được gửi đến 6 tư vấn trong danh sách ngắn ngày 8/7/2019. Sau đó 6 tư vấn này đã nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu vào ngày 25/8/2019 gồm: (1) Liên doanh Cheil, Contrans, Tecco2 và Công ty CP Xây dựng Đăng Tiến (2) Dohwa cùng tư vấn phụ Newstech và Hồng Hà (3) Liên doanh EXP và Thăng Long-TIDENCO (4) Liên doanh Haskoning Hà Lan và Haskoning Việt Nam cùng tư vấn phụ Việt Vương (5) Liên doanh SWS, INTEC và Việt Xanh-GVDC (6) Liên doanh VIWASE, OCG và VJEC. Việc mở thầu phần đề xuất kỹ thuật được thực hiện ngay sau đó và Tổ chấm thầu (CSC) do Ban Quản lý Dự án TP Hà Giang thuê Công ty CIC 279 để tiến hành chấm điểm các đề xuất kỹ thuật.
Đơn thư phản ánh cho rằng có dấu hiệu gian lận trong công tác chấm xét các đề xuất kỹ thuật của 6 tư vấn, dấu hiệu vi phạm các nguyên tắc minh bạch và phòng chống tham nhũng. Được biết, thư kiến nghị đã được gửi tới ông Eric Sidgwich - Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Alexander D. Nash – Cán bộ ADB phụ trách Dự án và bộ phận chống tham nhũng của ADB.
Ngoài việc đề nghị ADB làm rõ những dấu hiệu vi phạm, đơn thư cũng đồng thời kiến nghị công tác chấm xét thầu cần phải được tiến hành một cách khách quan, minh bạch, tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của ADB, tạo niềm tin đối với cộng đồng trong nước và quốc tế, đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn ODA thực sự hiệu quả.
Báo PLVN sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin theo dõi vụ việc.