Cần dạy trẻ ý thức tuân thủ quy định giao thông từ nhỏ

(PLO) - Mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 1.900 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Đó là con số vô cùng khủng khiếp và đau thương đối với bất cứ quốc gia nào. Trước thực trạng này, một câu hỏi lớn được đặt ra: Làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông ở trẻ em? Đó là câu hỏi mà những người làm công tác an toàn giao thông (ATGT) đang cố gắng tìm giải pháp từng ngày, từng giờ…
50% trẻ em tự điều khiển xe máy đến trường, trong đó 20% tự lái xe khi chưa đủ tuổi và rất ít đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

70% tai nạn giao thông xảy ra với học sinh

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi năm có khoảng hơn 1.900 trẻ em tử vong do TNGT. Trong đó, TP HCM là địa phương có số vụ TNGT và số người chết vì TNGT đứng đầu cả nước và có khoảng 8-9% số vụ TNGT liên quan đến trẻ em. Cụ thể, trong 3 năm 2013, 2014 và 2015, số người chết vì TNGT giảm dần, lần lượt là 775, 702 và 692, nhưng số trẻ em (dưới 18 tuổi) tử vong “tăng sốc”, lần lượt là 35, 61, 111 và có chiều hướng gia tăng.

Đánh giá về thực trạng này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia từng chia sẻ với báo giới rằng: “Trong số liệu trẻ tử vong vì TNGT này có tới 70% trẻ em là học sinh trung học phổ thông. Phần lớn trong số này bị tử vong do tự điều khiển phương tiện, trong đó chủ yếu là đi xe đạp điện và xe máy”.

Đây có lẽ là những con số gây bất ngờ cho các bậc phụ huynh. Thực tế, trong các năm qua, do điều kiện kinh tế phát triển, các em học sinh tiếp cận với xe máy điện, xe đạp điện khá sớm và thậm chí có gia đình sẵn sàng mua cả xe phân khối lớn cho các em điều khiển, trong khi các em dưới 18 tuổi về quy định chưa được phép thi và cấp giấy phép lái xe.

Thực trạng học sinh chạy xe máy tham gia giao thông một cách thiếu ý thức dường như là chuyện diễn ra ở khắp các đô thị cả nước. Không nói đâu xa xôi, chỉ cần đi một vòng quanh các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, chúng ta có thể thấy số lượng các em học sinh tự điều khiển xe đạp điện, xe máy điện rất lớn, nhưng số lượng các em đội mũ bảo hiểm lại khá khiêm tốn.

Trong vai một người lái xe ôm, phóng viên tiếp cận với nhiều học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hầu hết các em đều được gia đình trang bị cho xe đạp, xe máy điện. Có một số em còn được các bậc phụ huynh trang bị cho những chiếc xe tay ga đắt tiền… nhưng hầu hết các em khi tham giao thông đều chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm. Khi hỏi tại sao em không đội mũ bảo hiểm thì câu trả lời luôn là: “Em đi xe máy điện chứ có phải xe máy đâu mà đội mũ bảo hiểm” hoặc “Nhà em gần trường, không qua chốt nào cả nên em không đội mũ bảo hiểm” hay có em lại trả lời rằng: “Đội mũ bảo hiểm nhìn quê lắm, bạn bè em có ai đội đâu mà mình đội…”.

Kết quả nghiên cứu do Trung tân Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức tiến hành cho thấy có 5 nguyên nhân chính góp phần gây ra TNGT trẻ em là đi sai làn đường, phần đường; chuyển hướng không đúng quy định; chạy xe vượt tốc độ quy định; vượt xe không đúng quy định; qua đường không đúng nơi quy định.

Cũng theo nghiên cứu này, kết quả phân tích mẫu quan trắc video quay ở 15 cổng trường học cho thấy trẻ em cấp 1 đi bộ và xe đạp đến trường rất khiêm tốn trong khi trường học thường rất gần nhà, chỉ có khoảng 5-6% trẻ em cấp 2-3 đến trường bằng xe đạp/xe máy điện (đa phần là tự lái), trong khi đó hơn 50% các em đến trường bằng xe máy, trên 20% tự lái xe khi chưa đủ tuổi. Tỷ lệ không đội mũ bảo hiểm của trẻ em rất cao.

Dạy dỗ ý thức ngay từ thuở nhỏ

Mỗi đứa trẻ là một tấm gương phản chiếu của gia đình, phản chiếu sự giáo dục của cha mẹ. Một hành động xấu của bậc sinh thành có thể vẽ lên “tờ giấy trắng” là những đứa trẻ những hình thù xấu xí. Đặc biệt hơn, trẻ nhỏ đều rất tin tưởng cha mẹ mình và mặc định hành động của cha mẹ là đúng và chúng sẽ làm theo. Chính vì thế, khi phụ huynh vi phạm Luật Giao thông thì không thể dạy bảo con cháu mình làm đúng được.

Trên đường, chuyện những người lớn không đội mũ bảo hiểm khi đi cùng những đứa trẻ không phải là trường hợp hiếm. Không chỉ như vậy, họ còn vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè hay có những hành vi chen lấn, luồn lách, làm ảnh hưởng tới những người cùng tham gia giao thông. Chị Hoàng Thị Loan - một người bán trà đá ở một cổng trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Cha mẹ đi đón con rồi cả học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm nhiều lắm. Nhiều đứa mới 16, 17 tuổi đã được bố mẹ mua cho xe máy, rồi chở 3, chở 4, tai nạn như chơi!”. Cũng theo chị Loan, có cả trường hợp bố mẹ bắt được con đi xe máy chở 3 cũng mắng mỏ, nhưng chúng nó cãi lại là đã không có giấy phép lái xe thì chở 3 hay không đội mũ bảo hiểm cũng như nhau thôi. Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ đã phải ngậm đắng nuốt cay vì mình là người thường vi phạm Luật Giao thông trước mặt con.

Theo các chuyên gia, gia đình là trường học đầu tiên và cực kỳ quan trọng cho trẻ. Cha mẹ là những người thầy đầu đời của con, để con nhìn vào học tập. Những kiến thức các bạn trẻ học được từ bố mẹ trong những năm đầu đời sẽ hằn sâu và là hành trang theo họ suốt cuộc đời. Việc giáo dục cho con em mình ý thức khi tham gia giao thông một cách cẩn thận và tỉ mỉ không chỉ liên quan tới tính mạng và tài sản của mình mà còn liên quan đến nhiều người khác.

Lê Hữu Minh, du học sinh tại Nhật cho biết, Nhật Bản từng là quốc gia có tỷ lệ TNGT cao trong khu vực. Từ những năm 1970, trung bình mỗi năm có 15.000 người thiệt mạng tại quốc gia này. Nỗi đau đó, đòi hỏi Nhật Bản phải xây dựng một ý thức kỷ luật giao thông vô cùng nghiêm khắc, trong đó họ nhấn mạnh vào việc rèn luyện ý thức tham gia giao thông cho trẻ em. Đến nay, dù số phương tiện tăng gấp chục lần so với năm 1970 nhưng số TNGT chỉ bằng một phần ba. Trẻ em Nhật được tận mắt chứng kiến cảnh tai nạn, được dàn dựng nhưng do chính người thật đảm nhiệm nhằm cảnh báo các em về sự nguy hiểm khi ai đó không tuân thủ các quy tắc an toàn. Đó cũng là nơi các em học cách cúi đầu cám ơn khi có ai đó nhường đường cho mình. Một trong những cách làm thú vị thu hút đông đảo sự chú ý tại Nhật là các trường dạy lái đặc biệt dành cho trẻ em. Những ngôi trường này cung cấp cho các em thông tin cần thiết để được an toàn trên đường, và chúng nhận “bằng lái” đặc biệt vào cuối mỗi khóa học.

“Những tiếng khóc ai oán, những giọt nước mắt cay đắng, ngậm ngùi tiếc thương những đứa trẻ phải rời xa sự sống sẽ không còn nữa. Nếu như chúng ta dạy dỗ, “uốn nắn” ngay từ thuở nhỏ”, anh Minh nói. Những bài học về an toàn giao thông khi “vỡ lòng” luôn dễ đi vào tâm niệm của đứa trẻ, từ đó mà lớn lên hình thành ý thức chấp hành luật an toàn giao thông. Sự bắt đầu chưa bao giờ là muộn, mỗi gia đình hãy bắt đầu ươm mầm từ những mái ấm của mình để không còn những “giá như…” đầy hối hận.

Đọc thêm