Cần đủ cán bộ chuyên trách để theo dõi tình hình thi hành pháp luật

(PLO) - Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này ở các ngành, các cấp vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là nhận định của Bộ Tư pháp trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây.
Giám định tư pháp xây dựng trong vụ sập cầu Cần Thơ có nhiều khó khăn.
Giám định tư pháp xây dựng trong vụ sập cầu Cần Thơ có nhiều khó khăn.

Kiện toàn bộ máy tổ chức

Theo số liệu thống kê do Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp tổng hợp, tính đến ngày 30/9/2015, đã có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, trong đó 52 tỉnh, thành phố đã thành lập Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, đồng thời bố trí được biên chế làm nhiệm vụ này. Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thì chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý hành chính, lý luận chính trị của đội ngũ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật cũng từng bước được nâng cao, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở địa phương. 

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Vụ Pháp chế đã được thành lập ở tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác pháp chế ngày càng được củng cố và tăng cường. Các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 2612 người làm công tác pháp chế, trong đó có 1340 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách.

Cả nước đã thành lập được 286 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tăng 2,6 lần, trong đó 6/63 địa phương thành lập được từ 14 Phòng Pháp chế trở lên, 32/63 địa phương thành lập, kiện toàn được một số Phòng Pháp chế và đang tiếp tục thực hiện. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong cả nước có 2059 người làm công tác pháp chế, trong đó có 1312 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách.

Kinh phí bảo đảm hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật bước đầu được các Bộ, ngành, địa phương bố trí trong kinh phí thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để đáp ứng một phần yêu cầu triển khai thực hiện công tác này. Bên cạnh nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động huy động nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế hoặc lồng ghép vào các chương trình, dự án khác đảm bảo cho công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh.

Tăng cường các hoạt động kiểm tra

Năm 2015, tiếp tục hoạt động kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra tại một số Bộ và địa phương. Đặc biệt, cũng trong năm vừa qua Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tỉnh, thành phố. Thông qua hoạt động kiểm tra, Bộ Tư pháp đã kịp thời phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động thi hành pháp luật đối với lĩnh vực này và có văn bản gửi tới cơ quan thẩm quyền để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, cũng như chấn chỉnh các sai phạm trong quá trình thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, trong 03 năm triển khai thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, các địa phương đã tổ chức 9504 cuộc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật. Hoạt động kiểm tra tình hình thi hành pháp luật đã dần đi vào thực chất và đạt được những hiệu quả tích cực, trong đó đã triển khai được các hoạt động kiểm tra thường xuyên, đột xuất, tập trung vào các lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên và môi trường, an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các ngành, các cấp vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như việc theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và tình hình tuân thủ pháp luật còn chưa bài bản, khoa học; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn mang tính hình thức, phong trào, hiệu quả chưa cao; việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành chưa được thực hiện trên diện rộng; cơ chế triển khai thực hiện, quản lý nhà nước về công tác theo dõi thi hành pháp luật ở một số Bộ, cơ quan, địa phương còn khó khăn, lúng túng, chậm được đổi mới; tổ chức và năng lực đội ngũ người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật chậm được thành lập, kiện toàn, không ổn định, nhất là ở các địa phương.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Tư pháp đề ra trong giai đoạn mới, trong đó, tiếp tục kiện toàn và đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trong thời gian trước mắt, các Bộ, ngành ở Trung ương cần bố trí đủ cán bộ chuyên trách về theo dõi thi hành pháp luật tại Vụ Pháp chế, trong khi các địa phương cần thành lập Phòng Pháp chế tại 14 Sở, ngành theo đúng quy định của Nghị định 55/2011/NĐ-CP và sớm thành lập Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tại 63 Sở Tư pháp theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT/BTP-BNV.

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu việc thành lập tổ chức bộ máy chuyên trách làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật từ Trung ương đến địa phương, cũng như bố trí biên chế, kinh phí hoạt động cho lực lượng này. Cùng đó,tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật, từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như chấn chỉnh các sai phạm. 

Đọc thêm