Nên rút ngắn thời hạn chờ ý kiến chuyên môn
Theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật THADS, chấp hành viên tiến hành xác định giá tài sản trong các trường hợp sau:
Một là: Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật THADS. Các trường hợp không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá bao gồm:
Trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên không có tổ chức thẩm định giá và đương sự không thỏa thuận được tổ chức thẩm định giá hoặc thỏa thuận được nhưng tổ chức thẩm định giá do đương sự thỏa thuận từ chối ký hợp đồng.
Chấp hành viên không thực hiện được việc ký hợp đồng thẩm định giá theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật THADS và cũng không thực hiện được việc ký hợp đồng thẩm định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp chấp hành viên không thể ký được hợp đồng định giá thì chấp hành viên tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tài sản kê biên trước khi xác định giá của tài sản kê biên.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của chấp hành viên mà cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn không có ý kiến bằng văn bản thì Thủ trưởng cơ quan THADS có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có ý kiến để chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên.
Thực tế trường hợp chấp hành viên không ký được hợp đồng thẩm định giá là ít khi xảy ra do các tổ chức thẩm định giá hiện nay rất phổ biến, tuy nhiên đối với quy định về việc chấp hành viên tự xác định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP vẫn cần xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Đa số ý kiến cho rằng, quy định thời gian để chờ đợi cơ quan chuyên môn có ý kiến như trên vẫn là quá dài, bởi trong trường hợp cơ quan chuyên môn không có ý kiến, sau khi có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, chấp hành viên còn phải mất thêm thời gian chờ đợi.
Do đó cần quy định rút ngắn lại thời hạn này từ 15 ngày xuống còn 5 đến 7 ngày để cơ quan chuyên môn có ý kiến về việc định giá tài sản kê biên. Quy định rút ngắn thời hạn này sẽ rút gọn tổng thời gian xin ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn về việc định giá tài sản kê biên.
Chưa rõ trình tự xử lý tài sản mau hỏng
Hai là: Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá.
Đối với tài sản kê biên thuộc loại “tươi sống, mau hỏng” thì hiện nay chưa có điều luật quy định thế nào là tài sản tươi sống, mau hỏng. Tuy nhiên, theo ngữ nghĩa của cụm từ “tài sản tươi sống, mau hỏng” thì có thể hiểu tài sản tươi sống, mau hỏng là các loại tài sản đặc biệt mà trạng thái hoặc tính chất ban đầu có thể bị hư hỏng khi chịu tác động của sự thay đổi quá mức về nhiệt độ, độ ẩm, thời gian hoặc các điều kiện khách quan khác. Các loại tài sản tươi sống, mau hỏng thường gặp có thể bao gồm các loại: Thịt, cá, hải sản, rau quả tươi hoặc đông lạnh, trứng ấp, cá, cua, tôm sống (đã đánh bắt)...
Sau khi xác định tài sản kê biên thuộc loại tài sản tươi sống, mau hỏng hoặc tài sản có giá trị nhỏ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, chấp hành viên yêu cầu người được thi hành án, người phải thi hành án thỏa thuận về giá tài sản kê biên. Nếu đương sự thỏa thuận được thì chấp hành viên lập biên bản về việc đương sự thỏa thuận giá tài sản kê biên.
Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì chấp hành viên tiến hành xác định giá tài sản. Tuy nhiên, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xác định giá trong trường hợp này dẫn đến việc thực hiện còn chưa thống nhất (về các thành phần tham gia, thời gian tiến hành, trình tự, thủ tục tiến hành định giá tài sản kê biên...). Do đó đây cũng là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định tài sản kê biên có giá trị nhỏ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 98 Luật THADS là tài sản mà tại thời điểm xác định giá, tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng có giá mua bán trên thị trường không quá 10.000.000 đồng.
Như vậy, để xác định được tài sản có giá trị nhỏ, chấp hành viên phải căn cứ vào giá mua bán tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng trên thị trường chứ không được căn cứ vào giá trị còn lại của tài sản kê biên đó. Việc này dẫn đến nhiều bất cập. Bởi việc xác định giá trị của một đồ vật đã sử dụng từ việc so sánh giá trị với đồ vật chưa qua sử dụng là không hợp lý. Quy định này cũng hạn chế việc xử lý tài sản của chấp hành viên trong thực tiễn.
Do đó, cần bỏ căn cứ tính giá trị tài sản trên cơ sở tài sản cùng loại chưa qua sử dụng trên thị trường mà quy định tài sản có giá trị nhỏ là tài sản mà tại thời điểm xác định giá, giá trị tài sản ước tính dưới 10.000.000đ để mở rộng hơn nữa thẩm quyền của chấp hành viên, góp phần rút gọn thủ tục và nâng cao hiệu quả thi hành án.