Cần làm rõ nhiều sai phạm tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bắc Giang

(PLVN) - Là doanh nghiệp mà nhà nước nắm tới gần 2/3 vốn nhưng trong nhiều năm liền, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bắc Giang đã mang trụ sở làm việc của 5 cơ quan nhà nước cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một tòa nhà 9 tầng đi “cắm” ngân hàng. Điều đánh nói, lãnh đạo công ty không xin ý kiến của chủ sở hữu công ty là UBND tỉnh Bắc Giang.

Tòa nhà 9 tầng được mang đi thế chấp nhiều năm.

“Cắm” trụ sở làm việc cơ quan nhà nước đi vay tiền

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bắc Giang tiền thân là Công ty phát triển nhà và đô thị Bắc Giang được thành lập theo Quyết định số 2212/QĐ-CT ngày 31/12/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Vốn điều lệ của công ty là 3,661 tỷ đồng trong đó vốn nhà nước là 2,261 tỷ đồng chiếm 61,76 %. Tháng 1/2004 chủ tịch UBND tỉnh có quyết định giao cho ông Trần Công Thắng là người trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị tỉnh Bắc Giang.

Ngày 17/8/2004 chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc liên cơ quan tỉnh Bắc Giang gồm 9 tầng nổi và một tầng hầm với tổng mức đầu tư là 26,476 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư gồm: nguồn vốn ngân sách, vốn vay chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển Bắc Giang, vốn tự có và các nguồn vốn huy động khác.

Theo chủ trương, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư vào dự án 6,5 tỷ đồng tiền ngân sách để được sử dụng toàn bộ tầng 4, tầng 5, một phần tầng 1 của tòa nhà với mục đích bố trí trụ sở làm việc cho 5 đơn vị sự nghiệp của tỉnh bao gồm: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Giang; Trung tâm kiểm định chất lượng công trình - Sở xây dựng; Trung tâm quy hoạch xây dựng - Sở xây dựng; Trung tâm hỗ trợ đào tạo cung ứng nguồn nhân lực; Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, lãnh đạo của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị tỉnh Bắc Giang đã mang cả quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là tòa nhà 9 tầng để thế chấp vay vốn ngân hàng khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu là UBND tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, năm 2007 khi tòa nhà đang thi công, lãnh đạo Công ty thế chấp tài sản hình thành sau đầu tư là dự án hình thành sau đầu tư là dự án tòa nhà Trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc liên cơ quan đang hoàn thiện để vay 8 tỷ đồng tại một ngân hàng. Năm 2008 sau khi trụ sở tòa nhà hoàn thiện và đưa vào sử dụng, Công ty ký lại hợp đồng tín dụng hạn mức số LD0808400022 ngày 24/3/2008 với ngân hàng, tài sản thế chấp là toàn bộ tòa nhà 9 tầng nổi và 1 tầng hầm và một số cá nhân khác với số tiền 29.572.844.500 đồng. Cũng vẫn lấy tòa nhà 9 tầng là tài sản thế chấp, liên tục từ năm 2009 đến năm 2015 Công ty ký hợp đồng tín dụng hạn mức với ngân hàng để vay nhiều tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2017, tổng dư nợ của Công ty là 38,802 tỷ đồng.

Ngày 27/10/2010, UBND tỉnh Bắc Giang điều chỉnh vốn điều lệ và điều chỉnh cổ phần nhà nước tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị tỉnh Bắc Giang. Theo đó, vốn nhà nước tại công ty được rút xuống còn chiếm 42,03% vốn điều lệ. Tháng 10/2016, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức bán hết phần vốn Nhà nước, chuyển thành Công ty cổ phần 100%. Ông Nguyễn Viết Thành – trúng đấu giá phần vốn nhà nước tại Công ty. Trong đại hội cổ đông, ông Thành được cổ đông bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2016 – 2021 và được HĐQT bầu làm chủ tịch HĐQT đại diện pháp luật công ty từ tháng 11/2016.

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Sau khi xem qua chứng từ, sổ sách của Công ty, ông Thành thấy nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng mang tính hệ thống trong nhiều năm của một số cá nhân nên ngày 19/7/2017, ông gửi Văn bản số 199/CV-CTN báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh, hoạt động vay vốn và tình hình an ninh trật tự tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị tỉnh Bắc Giang đến UBND tỉnh Bắc Giang.

Nhận thấy sự việc khá nghiêm trọng, ngày 26/7/2017, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 2507/UBND-KT yêu cầu các sở ban ngành của tỉnh bao gồm: Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang; Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang làm kiểm tra, tham mưu đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh phương án giải quyết tình hình diễn ra tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị tỉnh Bắc Giang.

Tại báo cáo số 823/BGI-TTGS, ngày 28/7/2017, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Giang nêu rõ, theo quy định tại Khoản 5 Điều 45 Nghị định 199/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 và Khoản 5 Điều 45 Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 thì khi doanh nghiệp đưa ra thảo luận trong HĐQT, Ban Giám đốc, Đại hội cổ đông hay các thành viên góp vốn hay bên liên doanh như phương hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, huy động thêm cổ phần, chia cổ tức… người đại diện phải xin ý kiến của đại diện chủ sở hữu vốn trước khi họp và biểu quyết hoặc phải chủ động báo cáo đại diện chủ sở hữu vốn cho ý kiến bằng băn bản. Tuy nhiên, tại thời điểm thế chấp tài sản năm 2007 và năm 2011 hồ sơ tài sản không thể hiện ý kiến hoặc không có ý kiến văn bản của chủ sở hữu vốn góp nhà nước là tiềm ẩn rủi ro khi xử lý tài sản đảm bảo.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tại tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Như vậy, việc Công ty sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thế chấp vay vốn ngân hàng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật là sai. Về phía ngân hàng khi nhận thế chấp toàn bộ tài sản đảm bảo là Tòa nhà 9 tầng, không có ý kiến đồng ý bằng văn bản của UBND tỉnh mà không loại trừ phần tài sản tương ứng với phần giá trị vốn ngân sách nhà nước là sai”.

Về phía Sở Tài Chính, tại Công văn số 225 ngày 31/8/2017, Sở cũng nhấn mạnh: “Công ty dùng tài sản nhà nước để thế chấp vay vốn ngân hàng khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu (UBND tỉnh Bắc Giang) là sai mục đích và chủ trương đầu tư dự án, vi phạm Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Việc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bắc Giang vi phạm việc sử dụng tài sản nhà nước đem đi thế chấp vay vốn ngân hàng thương mại, ngoài trách nhiệm của Công ty, còn có trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, định giá giá trị tài sản thế chấp, xét duyệt hồ sơ vay vốn”.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm