Cần lên án và làm rõ hành vi trục lợi từ thiện

(PLVN) -  Ngay sau khi Bộ Công an có công văn đề nghị Công an TP Hồ Chí Minh rà soát, đánh giá tình hình hoạt động kêu gọi từ thiện có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trên địa bàn, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cần lên án và làm rõ những hành vi trục lợi từ thiện.
Từ thiện là hoạt động xuất phát từ tấm lòng “lá lành đùm lá rách”.

Kịp thời và cần thiết

Theo đó, sau khi nhận được văn bản của Bộ Công an, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an TP HCM đã đề nghị Văn phòng cơ quan CSĐT (PC01), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) và Công an 21 quận, huyện TP Thủ Đức phối hợp rà soát đánh giá tình hình các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát, kêu gọi từ thiện trên địa bàn từ năm 2020 đến nay. Nếu có, thống kê cụ thể: tên cá nhân, tổ chức, quy mô, cơ cấu tổ chức, mục tiêu hoạt động, cơ sở pháp lý... Kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản (có số liệu cụ thể kèm theo).

Đại biểu (ĐB) Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đánh giá, việc Bộ Công an yêu cầu Công an TP HCM xử lý vụ việc này được cử tri rất hoan nghênh và trân trọng bởi hiện nay trên các trang mạng xã hội đang bùng nổ tranh luận và có quá nhiều luồng thông tin chuyện làm từ thiện của các nghệ sĩ. Một khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì sẽ làm rõ được có hay không cá nhân lợi dụng danh nghĩa để trục lợi từ thiện. Nếu có sự việc sẽ xử lý nghiêm. Còn nếu không có thì cũng cần trả lại danh dự cho những người đang bị xã hội nghi ngờ.

Theo ĐB Hòa, hoạt động từ thiện rất cần thiết đối với những người gặp khó khăn nhất là lúc “thiên tai địch họa”. Đây là hoạt động mang tính nhân văn, “lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Chính vì thế chúng ta không thể chấp nhận cá nhân nào lợi dụng những tấm lòng thiện tâm, lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi.

“Người dân trong và ngoài nước mong muốn, tin tưởng ủng hộ người dân vùng khó khăn thông qua một số người nghệ sĩ, ca sĩ thay mình đi đến các vùng khó khăn mà lợi dụng việc đó tiền không đến tận tay người dân mà bỏ vào túi riêng. Hoặc thậm chí, tiền thu được 10 tỷ đi hoạt động 7 tỷ hoặc 8 tỷ, còn lại sử dụng riêng tư. Tôi cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng danh nghĩa cá nhân để thu lợi bất chính. Các cơ quan chức năng cần làm rõ cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, ĐB Hòa nói.

Cùng quan điểm, Luật sư (LS) Phạm Xuân Nghĩa (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần lên án và làm rõ những hành vi trục lợi từ thiện. Việc cơ quan chức năng làm rõ có hay không việc trục lợi từ thiện là hành động lấy lại niềm tin của những người ủng hộ và của nhân dân đối với hoạt động này.

Theo LS Nghĩa, chúng ta cần làm sáng tỏ hoạt động từ thiện không chỉ ở TP HCM mà còn phải ở các địa phương khác nếu có đơn tố giác. Song song, trong thời gian tới Quốc hội cần đưa vấn đề này vào kế hoạch, chương trình xây dựng pháp luật để quy định chặt chẽ hơn nữa.

“Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 64 về hoạt động từ thiện nhưng chưa đầy đủ và chặt chẽ. Do đó, thời gian tới chúng ta phải luật hóa vấn đề này để ai làm từ thiện cũng được minh bạch, rõ ràng, tin tưởng”, LS Nghĩa nói.

Điều kiện xác định hành vi phạm tội

Làm rõ về khía cạnh pháp lý đối với hành vi trục lợi thông qua từ thiện, LS Nguyễn Huy Long (GĐ Cty Luật Legal Gate Việt Nam) cho biết, theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, phân tích, đối chiếu với cấu thành tội phạm để xác định hành vi của loại tội phạm nào. Tùy vào tính chất sự việc để cơ quan chức năng xác định đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm… Còn lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. “Chính vì thế, cơ quan chức năng cần làm rõ được hành vi phạm tội của các đối tượng phạm tội và tùy vào tính chất, mức độ phạm tội, các đối tượng phải chịu mức hình phạt tương ứng”, LS Long nói.

Về trình tự để làm rõ được việc một cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đoạt tài sản, theo LS Long, cơ quan chức năng cần thực hiện rất nhiều hoạt động tư pháp. Theo đó, tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định được có dấu hiệu tội phạm.

Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ như: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú.

Trong trường hợp cơ quan chức năng đã nhận được đơn tố giác của các cá nhân tố giác cá nhân khác có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản từ hoạt động từ thiện thì theo quy định tại Điều 146, 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi nhận được tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp nhận, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Để làm rõ có hay không dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt hoạt động: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

Đọc thêm