Sử dụng dịch vụ theo dõi để “bắt ghen”: Coi chừng phạm luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều người hiện tìm kiếm những dịch vụ theo dõi, “lục lọi” thông tin riêng tư của bạn đời mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có thể gây những hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều hành vi theo dõi vợ/chồng để “bắt ghen” có thể phạm luật. (Ảnh minh họa - Nguồn: camera.vn)
Nhiều hành vi theo dõi vợ/chồng để “bắt ghen” có thể phạm luật. (Ảnh minh họa - Nguồn: camera.vn)

Mới đây, trên một diễn đàn tâm sự chuyện gia đình, chị L.K.A., ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh đăng một đoạn nhờ tư vấn như sau: Em đang nghi ngờ là chồng có “tiểu tam”, bây giờ em đang rối trí lắm, có nên thuê dịch vụ theo dõi để bắt tận tay chồng ngoại tình không, nhờ các chị em tư vấn với”. Bên dưới bài viết, hàng trăm bình luận, trong đó không ít lời khuyên nên bỏ tiền cho dịch vụ thám tử tư, gắn chip theo dõi trong điện thoại để bắt quả tang hoặc giành quyền lợi về tài sản trước khi ly hôn.

Hiện nay, nhiều người lên mạng tâm sự, nhờ tư vấn, tìm kiếm dịch vụ theo dõi vợ/chồng. Hầu hết đều nhận được những tư vấn rất nhiệt tình từ “cư dân” mạng, hoặc các cá nhân cung cấp dịch vụ theo dõi người khác. Ngoài các dịch vụ như thuê thám tử tư hay gắn chip định vị điện thoại, một dịch vụ khác cũng được một số người ưa chuộng là mở khóa thông tin cá nhân trong thiết bị điện tử của bạn đời để “bắt ghen”.

Theo phân tích của ThS. LS Nguyễn Thúy Hạnh - Công ty Luật TNHH Vietthink - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi theo dõi vợ/chồng bằng việc thuê thám tử, gắn chip định vị, công khai tin nhắn trên thiết bị cá nhân mà không có sự đồng ý của đối phương là những hành vi thu thập thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và những thông tin này được pháp luật bảo vệ theo Điều 21 Hiến pháp 201, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu thông tin thu thập được chuyển thành dạng dữ liệu điện tử thì xâm phạm đến việc bảo đảm an toàn, bí mật đối với dữ liệu cá nhân theo quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2023. Các hành vi trên có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Thêm vào đó, nếu hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo LS Nguyễn Thúy Hạnh, trường hợp muốn “truy đến cùng” chuyện ngoại tình, đòi lại công bằng cho mình, thay vì theo dõi, trộm thông tin, tung lên mạng, người bị hại có thể gửi đơn tố cáo sự việc ngoại tình đến UBND cấp xã, phòng tư pháp huyện, chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện, Cơ quan cảnh sát điều tra cấp có thẩm quyền,… để xử lý hành chính theo quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Trường hợp, hành vi vi phạm quy định về chế độ một vợ, một chồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hôn nhân hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.

Đọc thêm