Một vụ khiếu kiện kéo dài liên quan Khu công nghiệp Xuyên Á (Long An): Hai vấn đề cần làm rõ để sớm giải quyết dứt điểm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ nhiều năm nay, cơ quan chức năng huyện Đức Hòa và tỉnh Long An đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để giải quyết sự việc giữa ông Trần Văn Lê (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hạnh Bắc, SN 1945, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Mỹ Hạnh Bắc) với Cty CP Ngọc Phong, liên quan việc giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai Khu công nghiệp (KCN) Xuyên Á.
Ông Lê (bên trái) và con trai nhiều năm nay đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sự việc. (Ảnh trong bài: Trần Tiến)
Ông Lê (bên trái) và con trai nhiều năm nay đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sự việc. (Ảnh trong bài: Trần Tiến)

Một thửa đất, nhiều giấy chứng nhận

Theo các đơn thư của ông Lê gửi cơ quan chức năng từ những năm 2007 đến nay, thì gia đình ông có 10 ngàn m2 đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) tạm thời số 13/UB.94 ngày 10/1/1998 của chính quyền địa phương.

Từ năm 2000, cơ quan chức năng cấp phép xây dựng KCN Xuyên Á tại khu vực. Cty Ngọc Phong lấy đất theo hai hình thức, một là “nhận chuyển nhượng” trực tiếp từ người dân, hai là UBND huyện thu hồi của dân giao cho Cty. Ông Lê cho rằng với thửa đất được giao, ông đã chuyển nhượng cho Cty Ngọc Phong 10 ngàn m2; và gia đình ông còn lại 10 ngàn m2 đất (với thửa đất ông Lê chỉ ranh này, sau đó UBND huyện, Sở TN&MT xác định là thửa số 2, tờ bản đồ 29-1). Với 10 ngàn m2 đất trên, gia đình ông cho rằng không chuyển nhượng cho ai, canh tác trồng cây thu hoạch hàng năm đến nay đã hơn 20 năm.

Đến 2006, Sở TN&MT tỉnh cấp sổ đỏ cho Cty Ngọc Phong là chủ đầu tư dự án KCN Xuyên Á và diện tích đất trên cũng nằm trong sổ đỏ. Như vậy, tới thời điểm đó, một khu đất nhưng có ít nhất 2 giấy chứng nhận, là giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời của chính quyền địa phương cấp cho ông Lê và sổ đỏ cấp cho Cty Ngọc Phong. Trong thực tế, theo các biên bản làm việc của địa phương, ông Lê vẫn sử dụng khu đất trên trồng cây, cắm mốc giới.

Dự án KCN Xuyên Á sau đó mắc nhiều vi phạm, sai phạm, đã được Thanh tra tỉnh Long An chỉ ra trong Kết luận Thanh tra số 61/KL-TT ngày 24/8/20025; một số cá nhân trong Cty chủ đầu tư dự án bị bắt vì có hành vi vi phạm; tuy nhiên dự án vẫn được tiếp tục thực hiện, thậm chí mở rộng hơn. Mãi đến 2021, nghĩa là 15 năm sau khi được cấp sổ đỏ, Cty Ngọc Phong mới triển khai tới khu vực có thửa đất số 2, tờ bản đồ 29-1. Gia đình ông Lê phản đối, cho rằng đất trên thuộc QSD của mình chứ không phải của Cty Ngọc Phong nên không cho đơn vị thi công hạ cây trên đất. Ông Lê lập luận đất mình đang sử dụng, không chuyển nhượng cho ai, các trụ mốc cắm từ 1998 còn nguyên, quyết định của chính quyền địa phương giao QSDĐ cho ông vẫn còn giá trị pháp lý, chưa bị thu hồi.

Về phía Cty Ngọc Phong, cho rằng đã được Sở TN&MT cấp sổ đỏ năm 2006, nên hành vi của ông Lê là “ngăn cản Cty sử dụng đất”. Ông Lê sau đó có đơn gửi cơ quan chức năng, phản ánh hai nội dung: Thứ nhất, ông cho rằng Cty Ngọc Phong “có hành vi lấn chiếm đất, hủy hoại tài sản của người dân”. Thứ hai, ông cho rằng Sở TN&MT cấp sổ đỏ với thửa đất 21, tờ bản đồ 20-1 cho Cty Ngọc Phong là không đúng quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng tỉnh Long An và huyện Đức Hòa đã có hàng chục cuộc làm việc và văn bản về sự việc này, nhưng hai bên trong vụ việc vẫn giữ nguyên quan điểm.

Về phía Trung tâm Phát triển quỹ đất và dịch vụ tài nguyên môi trường huyện cũng xác định “quá trình xác định ranh của Cty Ngọc Phong và phần đất của ông Lê có chồng lấn diện tích khoảng 3.689 m2, cạnh phía Đông giáp kênh Thầy Cai cạnh khoảng 14,5m, cạnh phía Tây khoảng 23,9m”, như trong biên bản ngày 8/3/2022. “Trung tâm không xác định rõ phần đất nào là của tôi, phần đất nào là của Cty Ngọc Phong; nhưng xác định như vậy, có nghĩa tôi vẫn còn đất tại đây”, ông Lê nói.

Tuy nhiên, sau đó, UBND huyện và Sở TN&MT lại xác định ông Lê không còn đất tại khu vực. Theo Văn bản 9585/UBND-TCD UBND huyện trả lời ông Lê ngày 10/8/2023, thì 10 ngàn m2 đất trên, “là thuộc thửa số 2, tờ bản đồ 29-1, là của ông Trần Văn Nhu và hiện nay Nhà nước đã bồi thường cho ông Nhu”.

Văn bản do quyền Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, ông Lê Thành Phong, ký, cũng nêu, huyện “xét thấy việc Sở TN&MT tỉnh cấp sổ đỏ cho Cty Ngọc Phong là đúng quy định”.

Về phía Sở TN&MT, trong Văn bản số 6717/STNMT-TTr ngày 7/9/2023, do Giám đốc Sở, ông Nguyễn Minh Thành ký, cũng cho rằng: “Phần đất ông Lê ngăn cản không cho Cty Ngọc Phong sử dụng đất thuộc thửa số 2, tờ bản đồ 29-1, diện tích 10 ngàn m2 có nguồn gốc ông Nguyễn Văn Nhu; Cty Ngọc Phong đã bồi thường cho ông Nhu”.

Ông Lê cho rằng có hai điều cần làm rõ hơn trong các văn bản trả lời trên. Thứ nhất, đúng là có ông Nguyễn Văn Nhu từng sống tại địa phương, nhưng ông Nhu đã qua đời rất lâu, hiện tại gia đình ông Nhu cũng không còn ở địa phương, nên không thể xác minh có đúng là ông Nhu đã nhận bồi thường thửa đất trên hay không? “Tôi đề nghị UBND huyện và Sở TN&MT cần cung cấp chứng cứ về việc đã bồi thường cho ông Nhu như thế nào. Và nếu thực sự ông Nhu có nhận bồi thường với khu đất này, thì cần tổ chức cho tôi và gia đình ông Nhu đối chất, làm rõ việc vì sao họ lại nhận bồi thường trên đất của tôi có quyền sử dụng”, ông Lê nói.

Thứ hai, ông Lê cho rằng UBND huyện và Sở TN&MT cũng cần làm rõ sự mâu thuẫn trong trả lời của hai cơ quan cùng về một vấn đề. Vì UBND huyện nói Nhà nước bồi thường cho ông Nhu, trong khi Sở TN&MT nói Cty Ngọc Phong bồi thường cho ông Nhu.

LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) cho rằng, những thắc mắc, băn khoăn của ông Lê là chính đáng. Sở TN&MT, UBND huyện Đức Hòa cần đưa ra các chứng cứ về việc đã bồi thường thửa đất đất trên và bồi thường có đúng đối tượng hay không, để sớm giải quyết dứt điểm đúng quy định pháp luật một sự việc đã kéo dài rất nhiều năm. LS Trâm lưu ý, cũng cần xem xét lại việc UBND huyện có thẩm quyền nhận xét về việc đúng - sai trong cấp sổ đỏ của Sở TN&MT hay không, như trong nhận định của huyện tại Văn bản 9585/UBND-TCD.

Theo Kết luận thanh tra số 61/KL-TT ngày 24/8/20025 của Thanh tra tỉnh Long An về dự án KCN Xuyên Á, tại dự án này “Cty Ngọc Phong và các ban, ngành chức năng tỉnh không nhất quán trong công tác bồi thường, lúc thì giao Cty tự thỏa thuận, lúc do Nhà nước kê biên thực hiện. Diện tích bồi thường “da beo”, khiến quy hoạch chi tiết của Cty không thể triển khai được, hạ tầng cơ sở không thể tiếp tục thi công”.

Kết luận thanh tra xác định “qua xác minh về số tiền nhận bồi thường ở các hộ dân cho thấy có sự chênh lệch thấp hơn so với báo cáo của Cty Ngọc Phong”.

Thanh tra tỉnh cũng nêu rõ tại dự án này, “giá đền bù đất nông nghiệp phê duyệt thấp, từ 2.300đ - 8.100đ/m2 trong khi đó giá bán đất nền ưu đãi là 1.000.000đ - 1.200.00đ/m2, có sự chênh lệch lớn (521 lần - NV), nên người dân khó có khả năng mua được”.

Đọc thêm