Cần mạnh dạn giao cơ hội 'thử lửa' cho tri thức trẻ

(PLO) - Ở một số địa phương, các cấp ủy, chính quyền xã chưa quan tâm, chưa bố trí cán bộ có năng lực theo dõi, giúp đỡ và bồi dưỡng các học viên Đề án 600 để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương; đồng thời chưa tin tưởng và mạnh dạn đưa đội viên vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của địa phương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những hạn chế trên đã được nêu ra tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án thí điểm đưa 600 thanh niên trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã nghèo (Dự án 600), tại các tỉnh khu vực Đông Bắc, do Bộ Nội vụ tổ chức hôm qua (6/6). 

Hơn 52 % đội viên Dự án được bố trí công tác 

Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ, thực hiện Dự án, 5 tỉnh trong khu vực Đông Bắc bộ đã tuyển chọn được 160 đội viên; trong đó, Hà Giang có 67 đội viên, Cao Bằng 44, Bắc Kạn 22, Phú Thọ 8 và Bắc Giang 19 đội viên. Hàng năm, hầu hết đội viên Dự án của các tỉnh khu vực Đông Bắc bộ đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các đội viên khi về địa phương công tác đã thể hiện được tinh thần chủ động, sáng tạo, thường xuyên bám sát cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong quá trình công tác, các đội viên đã mạnh dạn đề xuất giải pháp, phương án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi của người dân địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa…

Đánh giá về quá trình thực hiện Dự án tại các tỉnh Đông Bắc bộ, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ)- Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, thông qua hoạt động tại cơ sở, đội viên Dự án đã được đào tạo, rèn luyện, trưởng thành và trở thành nguồn nhân lực bổ sung cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

Đã có 134 đội viên Dự án (chiếm 83,75%) được quy hoạch vào các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các phòng ban chuyên môn và tương đương cấp huyện; Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã. Theo báo cáo của các tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 84 đội viên Dự án của các tỉnh khu vực Đông Bắc bộ được bố trí công tác (chiếm 52,5%); số đội viên Dự án còn lại đang được các tỉnh bố trí và dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2017. 

Còn nhiều vướng mắc

Tại hội nghị, ghi nhận và đánh giá cao các trí thức trẻ được tăng cường về địa phương đã tạo luồng gió mới và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội tại các địa bàn khó khăn, nhưng các đại biểu cũng nêu lên những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Trong đó, khó khăn lớn nhất là các thanh niên được tuyển chọn còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng làm việc.

Những thanh niên ở miền xuôi lên miền núi công tác gặp khó khăn do không quen địa bàn và không biết tiếng của đồng bào dân tộc tại địa phương; một số đội viên ngại va chạm, chưa dám mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế trong hoạt động của Ủy ban nhân dân xã. Cùng với đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của dự án nên việc phối hợp công tác chưa nhiệt tình.

Ông Vũ Đăng Minh cũng cho rằng, bên cạnh những địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đội viên Dự án để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng còn những địa phương chưa làm tốt công tác này. Một số nơi vẫn còn tâm lý cho rằng, hết Dự án thì trả đội viên này cho cấp trên để bố trí, sử dụng, do đó chưa tạo điều kiện thực sự để đội viên Dự án rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trên, theo ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Nội vụ cần tham mưu cho Chính phủ có chủ trương thu hút trí thức trẻ về huyện nghèo, xã khó khăn trở thành chủ trương lâu dài. Mặc dù có tâm huyết, năng động, sáng tạo, nhưng khi tuyển các đội viên về địa phương, nên để các trí thức trẻ có thời gian làm cán bộ công chức xã từ 1-2 năm để làm quen với các mối quan hệ, phong tục tập quán, công việc, vững vàng hơn và khi bầu chức danh sẽ thuận lợi hơn, không có sự gượng ép. 

“Chúng tôi đang đôn đốc các tỉnh nếu có nhu cầu thì sớm có phương án rõ ràng. Ví dụ bạn này được rút lên huyện thì bố trí công việc gì, vị trí công tác nào. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tập hợp, báo cáo với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế. Bộ Nội vụ sẽ tích cực phối hợp với các địa phương để không có sự gián đoạn trong việc thực hiện chế độ chính sách, bảo hiểm sau này”- ông Vũ Đăng Minh nói.

Theo kế hoạch, sau hội nghị lần này, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục mở hội nghị để đánh giá hoạt động tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ quyết định có tiếp tục thực hiện dự án hay không. 

Đọc thêm