Về kết quả công tác chủ yếu quý I/2017, Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Các nhiệm vụ trọng tâm được tập trung triển khai. Nhiều vụ việc cụ thể cũng được Bộ Tư pháp “vào cuộc” kịp thời.
Chia sẻ 7 nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II/2017, ông Hiển còn cho biết Bộ Tư pháp đang tích cực triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, đã hoàn thành nhiệm vụ chủ trì rà soát quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy do Thủ tướng Chính phủ giao.
Sau những thông tin cơ bản trên, các phóng viên liên tục đặt câu hỏi về những vấn đề được dư luận quan tâm từ ý kiến của Bộ về đề xuất của Bộ Công an “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng” đến việc tổ chức xin lỗi người bị oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sao cho nghiêm minh; quan điểm của Bộ Tư pháp về một số nội dung sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, giải pháp đối với án tín dụng – ngân hàng...
Liên quan đến việc báo chí phản ánh về vấn đề đấu giá biển số xe, ông Hiển thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về đấu giá biển số xe báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017. “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, tham gia ý kiến về văn bản, đề án nêu trên” – ông Hiển nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai bổ sung, đề xuất đấu giá biển số xe đẹp được đặt ra từ năm 2011 khi xây dựng nghị định về đấu giá tài sản. Nhưng từ lúc ấy và đến bây giờ vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau rằng biển số xe là tài sản hay là công cụ quản lý của Nhà nước đối với phương tiện giao thông đường bộ, quản lý trật tự giao thông. “Khi quan điểm về biển số xe còn chưa rõ thì còn vướng” - bà Mai nói. Trong khi đó, Điều 80 Luật Giao thông đường bộ cấm mua bán tất cả các thiết bị của phương tiện giao thông đường bộ nên việc dự kiến đấu giá biển số xe chưa thực hiện được.
Trước băn khoăn Luật Đấu giá tài sản sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây chưa quy định thì không thể đấu giá biển số xe, bà Mai khẳng định không có gì vướng mắc trong việc đấu giá tài sản đối với biển số xe đẹp và hoàn toàn không cần sửa đổi bất cứ điều gì trong Luật Đấu giá tài sản nếu đề xuất này trở thành hiện thực. “Lý do là Luật này chỉ quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, còn tài sản nào được phép bán đấu giá lại thuộc pháp luật nội dung. Nếu pháp luật chuyên ngành có quy định bán đấu giá biển số xe đẹp thì sẽ tổ chức đấu giá theo thủ tục của Luật Đấu giá tài sản” – bà Mai giải thích.
Với hai phương án đấu giá biển số xe hoặc chỉ đấu giá biển đẹp hoặc đấu giá tất cả các biển số, bà Mai lưu ý một lần nữa rằng biển số xe không chỉ là tài sản đơn thuần mà còn là công cụ quản lý điều tiết của Nhà nước để quản lý trật tự, an ninh. Vì vậy, các cơ quan chức năng đang cân nhắc giữa lợi ích thu được từ việc bán đấu giá với lợi ích chung về quản lý trật tự, an ninh. Hơn nữa, tâm lý của người Việt Nam mới chỉ chuộng biển số xe đẹp, còn biển thông thường thì rất khó để người dân bỏ tiền ra mua, ở đây lại phải cân nhắc giữa chi phí tổ chức cuộc đấu giá và lợi ích thu được từ việc đấu giá nên bà Mai cho hay các nội dung trên đang tiếp tục được nghiên cứu