Cần sớm làm sáng tỏ vụ phá hoại đường ống nước ở Kim Thành, Hải Dương

(PLVN) - Việc cùng cung cấp nước trên một địa bàn nhưng đường ống nước của nhà máy do doanh nghiệp ông Nam quản lý liên tục bị phá hoại, còn đường ống nước của đơn vị kia không bị phá hoại. Ông Nam rất bức xúc và mong muốn các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ, tránh thiệt hại nhiều cho doanh nghiệp và không để ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Nhà máy nước sạch Thành Đạt
Nhà máy nước sạch Thành Đạt

Như Báo PLVN đã thông tin trước đó về vụ việc ông Nguyễn Hồng Nam, chủ Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương và là chủ đầu tư Nhà máy nước sạch Thành Đạt (có trụ sở tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, Hải Dương) phản ánh, từ đầu năm 2019 đến nay, đường ống nước sạch thuộc đầu tư, quản lý của doanh nghiệp đã xảy ra hàng chục vụ phá hoại đường ống nước tại xã Liên Hòa, huyện Kim Thành.

Qua kiểm tra, họ phát hiện các vụ phá hoại không những nhiều mà ngày càng mang tính chất nghiêm trọng hơn. Tại hiện trường, bằng mắt thường có thể thấy rõ các đoạn ống nước đều bị chặt, chém bằng vật dụng sắc (có thể bằng dao), có điểm bị chém từ 2 – 3 nhát. Địa điểm xảy ra chủ yếu ở thôn Cao Ngô và thôn Thái Nguyên, xã Liên Hòa.

Theo đó, chỉ tính riêng từ ngày 1 – 3/7, tại thôn Cao Ngô đã có tới 5 điểm đường ống nước sạch bị chặt chém, phá hoại, làm một lượng lớn nước sạch chảy tràn lan ra ngoài đường ống, gây thất thoát nước và kinh phí sửa chữa khá nhiều cho doanh nghiệp. Cụ thể, mỗi đoạn đường ống bị phá hoại có thể gây thất thoát trên 300 khối nước mỗi ngày nếu không được sửa chữa kịp thời. Kinh phí để khắc phục từ 1 – 2 triệu đồng/một điểm.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc và nghi ngờ có kẻ gian “chơi xấu”, ông Nam đã trình báo lên các cơ quan chức năng với mong muốn sự việc sớm được làm rõ và kẻ gian sẽ bị trừng trị thỏa đáng. 

Liên quan vụ việc trên, ông Đồng Hoài Bắc, Chủ tịch UBND xã Liên Hòa cho biết, sau khi nhận được trình báo của doanh nghiệp, UBND xã đã giao cho công an xã lập biên bản và báo cáo công an huyện Kim Thành giải quyết. Ông Bắc xác nhận, chiếu theo vết cắt, đường ống có biểu hiện của sự phá hoại. 

Ở tại địa phương hiện nay ngoài nhà máy nước sạch của ông Nam còn có Công ty nước sạch Liên Hòa (tiền thân là Hợp tác xã dịch vụ điện Liên Hòa) cùng cung cấp nước trên địa bàn. Đơn vị này tuy lắp đặt hệ thống đường ống nước trước nhà máy của ông Nam nhưng do không có nhà máy nước sạch riêng, họ sử dụng nước của nhà máy nước sạch Đồng Gia (thuộc Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn Hải Dương quản lý). 

Xã Liên Hòa có 6 thôn nhưng 4 thôn là Bắc Thắng, Hưng Hòa, Cao Ngô, Thái Nguyên cùng do hai đơn vị này phục vụ việc cung cấp nước cho người dân. Riêng 2 thôn ở xa là Trung Hằng, La Thiện do một mình nhà máy nước sạch của ông Nam đầu tư, cung cấp nước. Ông Bắc cho rằng hành vi phá hoại trên chỉ là bộc phát và lực lượng công an vẫn đang tiếp tục xác minh, làm rõ. 

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Nam cho hay, dù sự việc xảy ra đã được một thời gian, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa có gì khả quan, tiến triển. Doanh nghiệp lúc nào cũng trong tình trạng lo lắng khi mọi việc chưa được làm rõ. Một câu hỏi luôn thường trực trong đầu ông Nam là việc phá hoại đó sẽ dừng lại hay vẫn tiếp tục và liệu doanh nghiệp sẽ còn bị tổn thất bao nhiêu nữa.

“Làm ăn kinh doanh không tránh khỏi sự cạnh tranh nhưng phá hoại của nhau rồi để ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như vậy là việc làm rất đáng lên án. Nếu chúng tôi không sửa chữa được kịp thời, từ chỗ đường ống bị phá, kẻ gian có thể cho những chất độc hại vào nước. Như vậy sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng khôn lường. Thế nên, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc sớm giải quyết triệt để, vừa tránh thiệt hại cho doanh nghiệp vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sức khỏe cho người dân”, ông Nam chia sẻ.

Được biết, liên quan đến việc tranh chấp địa bàn phục vụ cấp nước, trước đó, từ năm 2017, Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương do ông Nguyễn Hồng Nam làm chủ cũng từng có nhiều văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục Thủy lợi, UBND tỉnh Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cùng các sở, ban ngành tỉnh Hải Dương kiến nghị về tình trạng một số đơn vị cấp nước khác lấn chiếm địa bàn và không tuân thủ Quy hoạch cấp nước của tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh. Việc đó đã gây khó khăn, tổn thất thiệt hại nhiều về kinh tế cho doanh nghiệp, là đơn vị tuân thủ đúng phương án quy hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, các kiến nghị của doanh nghiệp chưa được giải quyết và trả lời thỏa đáng.

Đáng nói hơn, sau hơn 4 năm ban hành Quy hoạch tổng thể mạng lưới cấp nước sạch tỉnh Hải Dương, ngày 26/12/2018, UBND tỉnh ban hành bãi bỏ quy hoạch tại quyết định số 4838/QĐ-UBND ngày 26/12/2018, tuy không ảnh hưởng đến hoạt động của Trạm cấp nước sạch xã Kim Đính do địa bàn cấp nước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định đầu tư dự án. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn do các doanh nghiệp khác cạnh tranh, lấn chiếm địa bàn đã được tỉnh phê duyệt. 

Báo PLVN tiếp tục thông tin.

Đọc thêm