Cần sự liêm chính trong xây dựng pháp luật

(PLVN) - Sáng ngày 26/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. 
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang)
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang)

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với các nội dung trong dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Các ý kiến đều cho rằng, các dự thảo báo cáo đã đánh giá, phân tích đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về các mặt trong công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội từ những mặt đạt được, mặt còn hạn chế và những bài học kinh nghiệm rút ra để Quốc hội khóa tới hoạt động hiệu quả hơn.

Là người thứ hai phát biểu, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) bày tỏ đồng tình rất cao và thể hiện niềm tự hào là Đại biểu Quốc hội khóa XIV. “Chúng ta đã làm tròn vai ĐBQH trước nhân dân với những quyết sách và kết quả được thể hiện trong hai báo cáo tổng kết của Quốc hội và của UB Thường vụ Quốc hội”.

Đặt vấn đề câu chuyện liêm chính trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ khẳng định, liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong thực hiện các hành vi xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên tắc để con người trở thành một công dân tốt cho đất nước, xã hội. 

Pháp luật không phải công cụ để thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật. Pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội nên rất cần sự liêm chính trong xây dựng pháp luật” - ĐBQH Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Vị ĐBQH này cho rằng, nếu thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những dự án luật “nhiều khuyết tật”.

Cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách

Đánh giá cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhấn mạnh, các dự án Luật, pháp lệnh được thông qua rất phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, thể hiện tính kịp thời, tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo hành lang pháp lý cho đất nước phát triển.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, nhiệm kỳ này, hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ở các địa phương cũng được cử tri đánh giá rất cao. Hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng thể hiện rõ được trách nhiệm, thực chất hơn.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương 

Để Quốc hội khóa tới tiếp tục đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn nữa, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện cơ chế, chính sách dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.Để phát huy những hình thức giám sát, nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật Giám sát nhân dân.

Đồng thời, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, thân dân; lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân ủy thác; chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và Nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng số lượng, chất lượng của đại biểu chuyên trách, hoàn thiện địa vị pháp lý, chế độ cho đại biểu chuyên trách, lựa chọn đại biểu có tâm, có tầm, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân và khát vọng vươn lên của dân tộc.

Đọc thêm