Cần tăng mức thù lao cho cộng tác viên kiểm tra văn bản

(PLVN) - Đây là một trong những đề xuất, kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo phát huy vai trò cộng tác viên và cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức hôm nay, 24/5.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Cộng tác viên, báo chí hỗ trợ quan trọng với công tác kiểm tra văn bản

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Hồ Quang Huy nhấn mạnh, trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển theo định hướng của Đảng, khối lượng VBQPPL cần phải kiểm tra, rà soát hàng năm trên cả nước là rất lớn, thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, đã và đang là công việc nặng nề, phức tạp đối với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Để các công tác này ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tình hình thực tiễn và yêu cầu đặt ra, có vai trò, sự hỗ trợ rất cần thiết và quan trọng của các cộng tác viên (CTV) và các cơ quan báo chí.

Ông Huy đánh giá, thời gian qua, đội ngũ CTV là chuyên gia am hiểu về pháp luật, giàu kinh nghiệm thực tiễn, trình độ kiến thức chuyên ngành ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội đã tích cực tham gia hỗ trợ Cục Kiểm tra VBQPPL và cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp để kiểm tra, rà soát kịp thời, đầy đủ văn bản và nghiên cứu, đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp, khả thi của văn bản.

Còn các cơ quan báo chí với chức năng, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đã cung cấp nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị quý giá về VBQPPL và phản ánh khá đa dạng, phong phú về các nội dung, vấn đề, sự kiện liên quan đến công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, góp phần giúp hoạt động kiểm tra VBQPPL bảo đảm nguyên tắc “kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch”; giúp dư luận xã hội hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về các trường hợp văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn; nâng cao hiểu biết của người dân, xã hội về công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL; phát huy sự tham gia, giám sát của các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi chính sách, thể chế pháp luật của Nhà nước.

Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Hồ Quang Huy.

Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Hồ Quang Huy.

Ông Huy khẳng định, vai trò quan trọng nêu trên của đội ngũ CTV và các cơ quan báo chí đối với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới theo định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mức thù lao được quy định đã hơn 10 năm

Với tinh thần trên, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của CTV và cơ quan báo chí đối với các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản của Bộ, ngành Tư pháp; phân tích, đánh giá kết quả đạt được, các vướng mắc, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp để nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả của CTV và hoạt động truyền thông của cơ quan báo chí đối với các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trong thời gian tới.

Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Đình Thơ (Đài Truyền hình Việt Nam) kiến nghị, tiếp tục xây dựng, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ CTV để nâng cao chất lượng kiểm tra văn bản vì thực tế có những VBQPPL chỉ có CTV ở ngành, lĩnh vực ấy mới hiểu hết được nội dung, tinh thần của văn bản, nhất là văn bản mang tính kỹ thuật, văn bản quản lý chuyên ngành. Đồng thời, tập hợp được đội ngũ nhà báo có trình độ chuyên môn, tâm huyết với công tác xây dựng pháp luật, trong đó có công tác kiểm tra văn bản.

Đáng chú ý, ông Thơ nêu rõ, mức kinh phí cho CTV kiểm tra văn bản đã được quy định hơn 10 năm nay (Thông tư số 122/2011/TTLT-BTC-BTP), không khuyến khích, động viên, thu hút được những CTV giỏi, thực chất, tâm huyết với hoạt động này. Do vậy, cần tăng mức thù lao cho CTV kiểm tra văn bản.

Ông Lê Sơn (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) đề nghị một số giải pháp phát huy vai trò của CTV kiểm tra văn bản.

Ông Lê Sơn (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) đề nghị một số giải pháp phát huy vai trò của CTV kiểm tra văn bản.

Ông Lê Sơn (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) đề nghị, Bộ Tư pháp, trực tiếp là Cục Kiểm tra VBQPPL cần chủ động tăng cường việc công khai thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về các nội dung, vấn đề liên quan đến tình hình, kết quả công tác kiểm tra, rà soát, xử lý VBQPPL trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để tạo nguồn thông tin chính thống cung cấp cho các cơ quan báo chí khi phản ánh về các công tác này.

Cục Kiểm tra VBQPPL, tổ chức pháp chế các bộ, ngành, Sở Tư pháp các địa phương cần chú trọng, tăng cường năng lực theo dõi, kiểm soát thông tin báo chí, dư luận xã hội và phản hồi thông tin. Ngoài ra, cần có cơ chế động viên, khuyến khích các cơ quan báo chí cung cấp những thông tin hữu ích giúp cho Cục Kiểm tra VBQPPL và các cơ quan kiểm tra, rà soát VBQPPL khác phát hiện sớm, phản ứng nhanh, nhận diện, xử lý một cách kịp thời, hiệu quả những vấn đề liên quan đến quy định không phù hợp của VBQPPL.

Đến từ Sở Tư pháp TP Hà Nội, ông Nguyễn Minh Thanh đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Thông tư liên tịch 122 theo hướng nâng mức chi thù lao CTV kiểm tra văn bản nhằm đảm bảo thu hút CTV tham gia vào công tác này. Ông Thanh cũng cho hay, thời gian tới Sở Tư pháp sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND TP ban hành Quy chế tổ chức, quản lý CTV kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL...

Đọc thêm