Cần thận trọng trong vụ án ma túy ở Sơn La do có nhiều tình tiết chưa sáng tỏ

(PLVN) - Thấm phán từng xét xử vụ án  ma túy ở Sơn La mà hai bị cáo Nguyễn Chí Huân, Đào Đình Nam đã bị kết án cũng cho rằng, đây là rất phức tạp và có nhiều tình tiết chưa sáng tỏ
Chị Dung - vợ bị cáo Huân trao đổi với PV.
Chị Dung - vợ bị cáo Huân trao đổi với PV.

Như tin đã đưa, sau khi bắt quả tang Trần Mạnh Hùng (SN 1985, trú tại Điện Biên) và Nguyễn Đức Trung (SN 1987, trú tại Phong Thổ, Lai Châu) đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã mở rộng điều tra và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở đối với Nguyễn Chí Huân (SN 1986, trú tại Thanh Châu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) và Đào Đình Nam (SN 1973, trú tại Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam). 

Trao đổi với  PV, Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh là người đã tham gia trực tiếp vào vụ án này từ những ngày đầu tiên cho rằng, vụ án này rất phức tạp và có nhiều tình tiết chưa sáng tỏ. 

Theo luật sư Thanh, vụ án này chỉ có bị cáo Hùng, Trung là bị bắt quả tang, còn bị cáo Huân và Nam là truy xét. Vậy khi truy xét phải xem xét tới những yếu tố cần làm rõ để chứng minh có hay không hành vi phạm tội như nhận dạng, đối chất, thời điểm giao hàng, địa điểm giao hàng, phương tiện phạm tội, giá của mỗi gói ma tuý và lời khai của các bị cáo. Tuy nhiên, trong vụ án này căn cứ để kết tội bị cáo Huân và Nam hết sức mờ ảo. 

Chứng cứ duy nhất để kết tội Huân và Nam là lời khai của Trung và Hùng. Hai bị cáo Huân, Nam luôn cho rằng mình bị oan từ khi bị bắt đến nay, qua nhiều giai đoạn từ điều tra, truy tố và 5 phiên toà. 

“Tôi rất trăn trở với vụ án này, bởi còn nhiều tình tiết mờ ảo, chưa được làm rõ. Đằng sau vụ án này là mạng sống của hai con người, là nỗi oan ức của các gia đình. Trong suốt quá trình điều tra vụ án, những tình tiết còn mâu thuẫn vẫn không thể điều tra bổ sung thêm như nhận dạng người, nhận dạng nhà, đối chất, thậm chí lời khai của các bị cáo Trung và Hùng cũng mâu thuẫn với nhau tại các phiên toà”, luật sư Thanh nhận định. 

Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh còn cho rằng, đến giai đoạn điều tra được thực hiện bởi Bộ Công an, việc đối chất và nhận dạng đã không còn ý nghĩa bởi qua nhiều phiên toà xét xử, các bị cáo đã hoàn toàn biết mặt nhau. 

“Tại phiên toà phúc thẩm lần 2 ngày 23/8/2018, HĐXX cho rằng những luận cứ của luật sư là không có căn cứ nên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Chí Huân. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm ngày 16/11/2016 của TAND tỉnh Sơn La và tuyên phạt 2 bị cáo Huân, Nam tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”, luật sư Thanh nói. 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hải – nguyên Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần 01 vụ án này cho hay, chứng cứ buộc tội hai bị cáo Huân và Nam chữa vững chắc và không đầy đủ, các bị cáo không được đối chất trong quá trình điều tra là vi phạm Điều 138 BLTTHS, việc nhận dạng người, nhà tiến hành không khách quan là vi phạm Điều 139 BLTTHS; không tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định lời khai của các bị cáo có phù hợp với thực tế hay không?

Cũng theo ông Hải, vật chứng của vụ án không được lập biên bản niêm phong theo quy định của pháp luật, địa điểm, phương tiện giao nhận ma túy không xác định cụ thể, lời khai của bị cáo Hùng, Trung còn nhiều mâu thuẫn để làm căn cứ quy kết bị cáo Huân và Nam là không khách quan, không phù hợp với các căn cứ khác.

Đọc thêm