Hôm qua (26/4), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã có cuộc họp nghe báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện chế định Thừa phát lại (TPL). Theo đó, Lãnh đạo Bộ yêu cầu phải khẩn trương tiến hành các công việc đã đề ra, đảm bảo hiệu quả của chế định này khi được Quốc hội chính thức cho nhân rộng trong cả nước.
Đang gặp nhiều khó khăn
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến phản ánh, hiện nay có 2 vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất trong hoạt động TPL là việc tống đạt giấy tờ và việc tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng của TPL. Về khó khăn, vướng mắc trong việc tống đạt giấy tờ phát sinh, theo báo cáo của các địa phương thì từ cuối năm 2015 đến nay, việc chuyển giao văn bản tống đạt của các cơ quan tòa án và một số cơ quan thi hành án dân sự cho TPL đang giảm dần, có nơi đã tạm dừng thực hiện.
Nguyên nhân cơ bản là do nguồn kinh phí cấp cho hoạt động này của các cơ quan tòa án và thi hành án dân sự đã hết mà chưa được cấp hỗ trợ (từ tháng 8/2015 và kinh phí năm 2016). Vì vậy, TANDTC không cấp kinh phí cho tòa án địa phương để chuyển giao tống đạt giấy tờ. Nhiều văn phòng TPL chủ yếu tập trung vào hoạt động tống đạt giấy tờ nên khi tòa án các cấp không được cấp kinh phí khiến hoạt động của TPL bị ảnh hưởng.
Sở dĩ có tình trạng trên là do trong thời gian thực hiện thí điểm, các văn phòng TPL được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tống đạt với số tiền không quá 65 nghìn và 130 nghìn đồng/việc tùy theo địa bàn thực hiện tống đạt. Tuy nhiên, đến khi Quốc hội cho thực hiện chính thức chế định TPL trên toàn quốc theo Nghị quyết số 107, việc cấp kinh phí tống đạt giấy tờ chưa được thực hiện bởi quan điểm khác nhau của các cơ quan liên quan.
Để giải quyết vướng mắc về kinh phí, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp liên ngành với một số cơ quan, đề xuất ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí tống đạt trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2016 đến khi ban hành Luật TPL và mức hỗ trợ của năm 2016 bằng của năm trước. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, hiện TANDTC và Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đều đã lập xong dự toán gửi Bộ Tài chính và đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính.
Cũng qua theo dõi, nắm bắt tình hình, bà Yến cho biết, các vụ việc tổ chức thi hành án do TPL thực hiện thời gian qua là rất ít. Trong quá trình thi hành án, các văn phòng TPL rất ít khi đề nghị sử dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, một phần do phía cơ quan công an không hợp tác.
Đồng tình với phản ánh của bà Yến, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động TPL đang gặp nhiều khó khăn dù được Quốc hội cho chính thức thực hiện trên toàn quốc, đặc biệt là các địa phương ngoài Hà Nội và TP HCM. Ngay tại Hà Nội, theo Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình Nguyễn Văn Lạng, chỉ có 5 văn phòng thành lập hồi đầu duy trì được hoạt động, còn 3 văn phòng thành lập về sau đang hoạt động cầm chừng.
Đảm bảo thành công cho hoạt động TPL
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, đã có Nghị quyết của Quốc hội thì phải thực hiện tốt bởi đây là một kênh xã hội hóa hoạt động thi hành án mà Bộ Tư pháp theo đuổi. Hơn nữa, hoạt động TPL phát triển sẽ tốt cho cả Nhà nước và người dân trong bối cảnh công tác thi hành án quá tải hiện nay.
Bởi thế, các đại biểu đều thống nhất phải có biện pháp tháo gỡ. Về giải pháp trước mắt, bà Yến đề xuất, cần giải quyết ngay việc hỗ trợ kinh phí cấp cho hoạt động tống đạt giấy tờ của TPL trong năm 2016 để duy trì hoạt động của các văn phòng TPL.
Đối với việc cưỡng chế thi hành án, cần tăng cường công tác tuyên truyền về chế định TPL; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an trong việc tổ chức thi hành án của TPL. Ngoài ra, về lâu dài phải nghiên cứu, hoàn thiện thể chế pháp luật về TPL trong mối quan hệ với pháp luật thi hành án, tạo mối quan hệ bình đẳng và hướng phát triển cho TPL như thành công trong xã hội hóa hoạt động công chứng.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhất trí phải nghiêm túc thi hành ngay Quyết định số 101/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107.
Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu phải đẩy nhanh việc tập huấn, quán triệt Nghị quyết, đồng thời đôn đốc về kinh phí. Riêng với Quy chế phối hợp, theo Bộ trưởng, trước mắt nên làm việc với cơ quan công an trong việc tổ chức thi hành án của TPL để tiến hành chỉ đạo điểm tại Hà Nội và TP HCM. Về hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng cho rằng phải tiến hành song song với những công việc khác theo hướng thiết kế mảng công việc rạch ròi giữa TPL và thi hành án thì sẽ “tôn” lên hoạt động hiệu quả của các bên.