Nghiện ma túy đang là một vấn nạn của xã hội bởi khiến người nghiện mất kiểm soát, không tự chủ được hành vi của mình. Nghiêm trọng nhất nếu đi cai nghiện người nghiện sẽ đau đớn, vật vã, co giật từng cơn, thậm chí tử vong.
Chính vì vậy “cả nước cũng như trên thế giới có người chuyên làm tân dược, có người cay sống, có người thì làm phương pháp choáng điện nói chung là nhiều phương pháp để cai nghiện nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn, nên mình phải suy nghĩ nên tổng hợp từ những phương pháp đã có rồi, để nghiên cứu một phương pháp mới vừa đơn giản, vừa hiệu quả”, bác sĩ Võ Tấn Hưng – Chủ tịch Hội Đông y Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam đã nói như thế.
Đúc kết từ những phương pháp truyền thống
Xuôi theo quốc lộ 61C (đường nối Cần Thơ – Vị Thanh) đi từ Cần Thơ về hướng TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), đoạn gần cầu Rạch Sung khoảng 10 kí lô mét, nhìn về bên tay phải là Trung tâm cai nghiện ma túy Tấn Hưng. Hiện nay, trung tâm cai nghiện có gần 40 bệnh nhân điều trị cai nghiện ma túy nội trú và mỗi ngày có tới 5 đến 10 lượt đến điều trị ngoại trú.
Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Tấn Hưng cho biết: Theo nghiên cứu của ông, trên thế giới có 7 phương pháp điệu trị co giật cổ điển cho người nghiện, mỗi phương pháp có một cách điều trị khác nhau nhưng bộc lộ khá nhiều khuyết điểm.
Phương pháp thứ nhất là phương pháp cắt ngang (hay còn gọi là cai khô, gà tây lạnh, tên khoa học là Coldturkey). Phương pháp này có từ năm 1938 nhưng vẫn còn áp dụng cho một số nhà tù, bị phê bình là tàn bạo, có khi chết người bởi mặc cho người nghiện chịu đựng.
Phương pháp thứ hai là phương pháp giảm dần, tức là mỗi ngày bệnh nhân bớt một lượng ma túy sử dụng, đồng thời dùng thêm thuốc bổ. Mặc dù người nghiện không bị vật vã, bệnh nhân chịu đựng được nhưng nếu không có thuốc thì vật vã hơn và nếu bệnh nhân có tiền thì tăng lượng thuốc để bù lại, khó cai nghiện.
Phương pháp thứ ba là phương pháp thôi miên (còn gọi là giấc ngủ mùa đông, tên khoa học là Largactil hay Valium) phương pháp thôi miên sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc ngủ để ngủ một giấc ngủ nhân tạo qua cơn vật vã, bên cạnh đó bệnh nhân sẽ được truyền dịch và săn sóc đặc biệt. Đến ngày thứ ba, thứ tư cơn vật vã giảm dần rồi sau đó ngưng thuốc ngủ, nhưng dự chứng kéo dài hơn tháng.
Phương pháp thứ tư là phương pháp thay thế, tức là thay ma túy bằng Methadone, ở Mỹ và các nước châu Âu áp dụng phương pháp này nhưng bệnh nhân sẽ nghiện Methadone suốt đời.
Phương pháp thứ năm là phương pháp choáng điện, khi cơn vật vã vượt qua một vài bệnh nhân lên cơn trở lại sẽ tự chọt ngón tay vào ổ điện cho bị giật, để cơn nghiện giảm dần. Nhưng đa số không hưởng ứng theo cách làm này vì tính chất thô bạo.
Phương pháp thứ sáu là phương pháp phẫu thuật thùy trán, nghĩa là phẫu thuật tác động vào chức năng vỏ não để phá một số điểm của não bộ giảm kích thích sự thèm muốn ma túy. Bởi thùy trán có vai trò quan trọng chú ý và chức năng thực hiện, hứng thú và hành vi. Đánh giá chức năng thùy trán bao gồm: Bộ nhớ làm việc, phán xét, kiến thức, tổ chức công việc, tạo ra danh sách tên đồ vật cùng loại. Vì thế, tai hại sau khi phẫu thuật là bệnh nhân sẽ không biết phải quấy, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Phương pháp thứ bảy là phương pháp đối kháng ma túy, người điều trị sẽ dùng chất khoáng morphine như: Cyclajecine dần dần bệnh nhân không thấy thích ma túy nữa nhưng tác dụng phụ là tăng tình dục, táo bón kéo dài.
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho bác sĩ Võ Tấn Hưng |
Hướng đi mới của y học cổ truyền
Nhận thấy, 7 phương pháp kể trên khuyết điểm khá nhiều nhưng hiệu quả cho người nghiện không khả quan. Bằng niềm say mê nghiên cứu, bác sĩ Võ Tấn Hưng – Chủ tịch Hội Đông y TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam đã tổng hợp các phương pháp chữa trị kể trên, tìm ra một hướng đi mới cho y học cổ truyền với sự kết hợp giữa đông và tây y “châm cứu kết hợp với xung điện” giúp người nghiện cắt cơn nhanh chóng chỉ từ 7 đến 15 ngày.
Phương pháp nghiên cứu theo y học cổ truyền dựa vào 5 yếu tố, đó là dựa vào ngũ hành tương sinh (hưng phấn nhau) tương khắc (ức chế nhau); dựa vào 12 đường kinh mạch (dựa huyệt chẩn đoán đặc trưng); châm cứu cắt cơn nghiện; tâm lý liệu pháp – không được thiếu sự ân cần chăm sóc; điều trị bệnh không dùng thuốc – bầm nắn, xoa bóp cho bệnh nhân.
Trong quá trình châm cứu sẽ xung điện từ 15 đến 20 phút, châm vào các huyệt chống đau nhức, chống mất ngủ, buồn nôn. Khi xung điện đến ngưỡng thì bệnh nhân nằm ngủ ngon, bớt đau, nhức nhưng sẽ tái lại sau khi rút kim (khoảng một tiếng đồng hồ sẽ tái lại) lúc đó mình tiếp tục xung điện như ban đầu.
Tùy vào từng triệu chứng đau, nhức của bệnh nhân mà bác sĩ Hưng sẽ tiếp tục dùng liệu pháp “thủy châm” (một thuật ngữ trong y học cổ truyền) một loại thuốc giảm đau cho người bệnh. Tuy nhiên, cần sự cộng tác, đồng tình và sự quyết tâm từ bỏ ma túy của người bệnh thì bệnh nhân có thể về nhà điều trị nội hoặc ngoại trú và dùng thêm thuốc thảo dược “định tâm Tấn Hưng” theo sự chỉ định của bác sĩ Hưng và phải tắm nước mát, dưỡng sinh rồi đấm bóp... cho người nghiện là cắt cơn nhanh chóng chỉ từ 7 đến 15 ngày.
Đó cũng chính là ưu điểm trong điều trị cắt cơn nghiện ma túy, hướng đi mới trong y học cổ truyền ở Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng. Với những đóng góp to lớn cho ngành Y và tâm huyết cả đời của bác sĩ Võ Tấn Hưng, ông đã được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng nhiều bằng khen danh giá.