“Hổng chân kè”- nhiều người dân bức xúc
Trước thông tin phản ánh của người dân về việc bờ kè bờ tả rạch Khai Luông (đoạn từ Trung tâm thương mại Cái Khế đến vào sông Cần Thơ) bị “hổng chân kè” có nguy cơ sạt lở, PV Báo PLVN đã ghi nhận thực tế nhận thấy bờ kè này đang có biểu hiện của xuống cấp, các thanh chắn lan can bị hư hỏng, đặc biệt chân kè bị hổng.
Nói về nguy cơ sạt lở của bờ kè trước tình trạng chân kè bị “hổng chân”, ông Lê Văn Phương (người dân KV1, phường An Hội, quận Ninh Kiều) cho biết, tuy ở đây dòng nước chảy không mạnh, nhưng bờ kè xây dựng trống chân kiểu này thì nguy cơ sạt lở rất lớn.
Nhiều người dân sống tại đây còn cho hay: Khi nước ròng sát, bờ kè hổng chân khoảng 7 - 8 tất (0,7 - 0,8 m); một chiếc xuồng nhỏ chui vào cũng lọt. Trong quá trình xây dựng bờ kè, chẳng biết làm kiểu gì mà nhiều nhà thầu bỏ chạy, công trình kéo dài cả chục năm.
Bờ kè bờ tả rạch Khai Luông bị “hổng chân kè”. |
Bờ kè này thuộc bờ tả của Dự án nạo vét và xây dựng kè rạch Khai Luông được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt theo Quyết định số 533/QĐ-CT.UB ngày 20/2/2002 với tổng mức phê duyệt đầu tư là 32,3 tỉ đồng; thời gian thực hiện là 1 năm. Mục tiêu của dự án là đảm bảo vệ sinh môi trường và cải thiện mỹ quan đô thị. Chủ đầu tư dự án là UBND TP Cần Thơ (cũ), nay là UBND quận Ninh Kiều.
Sai có hệ thống... không thấy xử lý
Trao đổi PV Báo PLVN về việc “hổng chân kè” rạch Khai Luông, ông Dương Tấn Hiển - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết,việc “Hổng chân kè” phát hiện từ lúc thi công. Qua đó, việc xử lý bằng cách đổ sàn lên trên mặt và đề nghị phóng viên liên hệ Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) quận để nắm rõ thông tin.
Hàng loạt đơn vị bị nêu tên liên quan đến vấn đề “hổng chân kè” theo báo cáo 43/BC-BQLDA ngày 24/6/2008 của Ban Quản lý dự án quận Ninh Kiều. |
Ông Tống Thanh Tùng, Giám đốc Ban QLDA quận Ninh Kiều cho biết, chủ trương phê duyệt đầu tư dự án từ năm 2002 đến năm 2012 thì hoàn thành. Việc “hổng chân kè” nguyên nhân không phải là sự cố mà do quá trình thiết kế có sơ xuất, ngay từ khi lập phương án.
Triển khai thiết kế trong bờ nhưng trong quá trình thi công lại đem bờ kè xây dựng xa bờ thành ra bị “hổng chân”. Nói chung, sai mang tính hệ thống từ đơn vị thiết kế làm lộn dẫn đến việc quá trình thẩm tra, thẩm định cũng không phát hiện ra; đến khi thi công khá nhiều mới phát hiện” - ông Tùng lý giải.
Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin xử lý sai phạm của các cá nhân, đơn vị liên quan dẫn đến “hổng chân kè” làm phát sinh kinh phí dự án thì Giám đốc Ban QLDA quận Ninh Kiều cho rằng: “Không thấy văn bản xử lý”.
Kinh phí dự án tăng gấp đôi thể hiện qua hai Quyết định số 533/QĐ-CT.UB của UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) và Quyết định số 746/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ. |
Ngoài ra, Đại diện Ban QLDA quận Ninh Kiều cho biết thêm, công trình đã hoàn thành từ năm 2012 nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa quyết toán được, Ban đang thuê đơn vị kiểm toán độc lập để tiến hành lập thủ tục quyết toán công trình.
Sai sót làm kinh phí đầu tư tăng gấp đôi
Theo báo cáo 43/BC-BQLDA ngày 24/6/2008 do ông Trần Minh Phát - Quyền Giám đốc Ban QLDA quận Ninh Kiều ký nêu rõ việc sai phạm trong quá trình thực hiện, do không báo cáo kịp thời cho chủ đầu tư (UBND quận Ninh Kiều) để xin ý kiến cấp thẩm quyền xem xét xử lý mà tiếp tục cho nhà thầu thi công dẫn đến việc “hổng chân kè” làm phát sinh kinh phí. Trong báo cáo cũng nêu rõ, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Ban QLDA quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, đến nay việc sai phạm trên vẫn chưa được xử lý.
Đến ngày 18/3/2010 UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 746/QĐ-UBND điều chỉnh một số điều trong Quyết định số 533/QĐ-CT.UB, theo đó đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư cho dự án lên hơn 68,1 tỷ đồng và kéo dài từ năm 2002 đến năm 2012.