Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, từ năm 2014 ngành BĐS đã vượt qua được khủng hoảng và có nhiều khởi sắc. Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, kéo theo đó nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng cao. Từ đó khẳng định được thị trường BĐS rất tiềm năng.
Năm 2015 việc mua bán các sản phẩm BĐS diễn ra rất tốt. Đến năm 2016, số lượng giảm chỉ còn khoảng 30.000 sản phẩm nhưng lại tập trung vào các khu căn hộ cao cấp. Từ đó, số lượng tuy giảm nhưng giá trị lại tăng. “Thị trường BĐS phát triển tốt nhưng các dự án cao cấp quy mô lớn sẽ bị bão hòa. Phân khúc nhà ở trung bình về cả diện tích và giá trị sẽ có bước phát triển mạnh”, ông Nam nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội của TP Cần Thơ và giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đã thông tin về quy hoạch phát triển đô thị và thị trường BĐS, các dự án thu hút đầu tư. Hiện, Cần Thơ có 410 dự án thương mại dịch vụ và sản xuất, khoảng 73.000 tỷ. TP đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; Xây dựng TP Cần Thơ trở thành động lực của vùng. Bên cạnh đó, TP đã lập danh mục kêu gọi các dự án đô thị, dự án xã hội hóa về y tế, giáo dục, thể dục thể thao. Ngoài ra kêu gọi các dự án về hạ tầng, thương mại dịch vụ.
Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thị trường BĐS cũng còn hạn chế, chưa vực dậy được ngành BĐS trên địa bàn do giao thông chưa thuận lợi, việc vận chuyển còn nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp ngại đầu tư về Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thực trạng hiện nay có một số dự án đầu tư khu nhà ở trên địa bàn Cần Thơ chưa có đủ dịch vụ, tiện tích.
“Nhưng với tốc độ phát triển có nhiều khởi sắc, giao thông cũng thuận lợi dần, Cần Thơ tin rằng trong thời gian tới, thị trường BĐS của tỉnh sẽ có chuyển biến mới, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài” – bà Ánh bày tỏ.