Huy động vốn tăng, không có nợ quá hạn phát sinh
Theo NHCSXH TP.Cần Thơ, đến hết tháng 6/2018, tổng nguồn vốn đạt trên 2.360 tỉ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2017. Đáng lưu ý là ngoài nguồn vốn trung ương, thì các nguồn vốn ủy thác địa phương, vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm đều tăng. Vốn huy động tiết kiệm dân cư tăng ấn tượng với tỷ lệ tăng hơn 55,3% so với năm 2017, đạt gần 84% chỉ tiêu tăng trưởng huy động tiết kiệm dân cư năm 2018. Đặc biệt, Chi nhánh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu huy động vốn ngân sách được NHCSXH Việt Nam giao (hoàn thành 107,6%).
Tổng dư nợ đạt 2.156 tỉ đồng với 94.365 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tăng 123,5 tỷ đồng, hoàn thành 96,3% kế hoạch năm 2018. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,32% xuống còn 0,3%.
Nguồn vốn này góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân rõ rệt.
Đẩy nhanh giải ngân cho vay nhà ở xã hội
Một trong những nội dung được các đại biểu tham dự buổi sơ kết thảo luận là việc cần phải đẩy nhanh việc giải ngân cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 vẫn còn chậm.
Theo ông Huỳnh Văn Thuận - Giám đốc NHCSXH TP.Cần Thơ, đến nay các đơn vị trực thuộc mới giải ngân được 5 món với 950 triệu đồng cho các đối tượng được vay vốn. Ông Thuận nêu ra một số vướng mắc đối với cho vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là giá trị tài sản thế chấp không đủ so với nhu cầu vay vốn (do giá đất theo quyết định của thành phố thấp so với thị trường) khiến người vay băn khoăn trong quá trình làm hồ sơ vay vốn. Hoặc đối tượng vay vốn và người đứng tên trên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là hai người khác nhau trong hộ, ví như chồng là đối tượng vay vốn, vợ là người đứng tên trên quyền sử dụng đất, cũng ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ vay vốn và cho vay chương trình này.
“Đỏ mắt” tìm doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chương trình nhà ở xã hội là, đối với cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, theo thông tin của Sở Xây dựng Cần Thơ thì trên địa bàn thành phố chưa có chủ đầu tư nào đủ điều kiện để bán nhà ở xã hội theo quy định.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ có dự án nhà ở xã hội Gia Phúc (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy). Ông Lê Thanh Long - Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng Cần Thơ) - cho biết, năm trước, các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội rất nôn nóng. Ngành xây dựng cũng quan tâm chờ Chính phủ giao chỉ tiêu. Tuy nhiên, hiện nay không có nhà đầu tư đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. “Đối với dự án Nhà ở xã hội Gia Phúc, phía doanh nghiệp báo với chúng tôi là có người mua hết rồi nhưng doanh nghiệp không chủ động phối hợp nên người vay chưa tiếp cận được nguồn vốn” - ông Long nói.
Phát biểu về các vấn đề trên, ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - yêu cầu các đơn vị liên quan cần tìm giải pháp tăng cường giải ngân chương trình nhà ở xã hội, bởi đây là chương trình được đông đảo người dân quan tâm. Ông Lê Văn Tâm đề nghị các đơn vị hữu quan cần xem xét rà soát và đưa ra các tiêu chí, điều kiện phù hợp với thực tế để người thu nhập thấp có thể tiếp cận nguồn vốn này.
ĐÌNH THƯƠNG – CHÍ TIẾN