Cần tính chuyện dạy nghề tạo việc làm bền vững

(PLVN) - Dự án thực hiện tại xã Hiền Giang cho thấy, có sự khác biệt lớn giữa nhóm hộ giàu nhất và nghèo nhất liên quan đến trẻ em tham gia lao động sớm.
Hình minh họa.

Nhóm hộ nghèo nhất có tỷ lệ dân số hoạt động kinh tế ở độ tuổi từ 15-19 cao hơn nhóm hộ giàu nhất, 14% so với 3,8%. Trẻ em nghèo thường phải lao động kiếm sống, đồng thời ít cơ hội tiếp cận hơn với giáo dục, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe… 

Cha mẹ thiếu việc làm hoặc không có khả năng tham gia hoạt động kinh tế là một trong những nguyên nhân trẻ em phải tham gia lao động hoặc lao động nặng nhọc, độc hại. Chính vì thế, muốn giảm thiểu và xóa bỏ lao động trẻ em thì phải phát triển kinh tế tạo thu nhập ổn định cho cha mẹ, gia đình trẻ em, nhằm làm giảm áp lực trẻ em phải làm việc kiếm sống cần được chú trọng.

Nâng cao nhận thức của gia đình về ảnh hưởng của lao động trẻ em, kết hợp với hỗ trợ sinh kế ổn định rất cần thiết để giúp các gia đình có thể thay đổi cách thức và điều chỉnh công việc của con em họ. 

Mặt khác, tại các làng nghề, giữ nghề và truyền nghề là vấn đề rất quan trọng với những người dân. Kết quả tham vấn tại xã Hiền Giang cũng cho thấy, có trên 70% số trẻ em và người chưa thành niên tham gia tham vấn mong muốn được học nghề để nối nghiệp cha ông, hoặc được tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, trong đó lý do vì mục đích kinh tế chỉ đứng ở vị trí thứ 3, khoảng 34,3%. 

Do đó, phải tính đến nhu cầu của các em để dạy nghề nhằm mục đích tạo khả năng có việc làm bền vững cho các em sau này, khi đến tuổi lao động được luật pháp cho phép. Bên cạnh đó, cần xác định ranh giới giữa truyền nghề, học nghề và lao động trẻ em, nhất là trong các giờ thực hành, do đó cần có sự giám sát chặt chẽ trong các hoạt động học nghề của trẻ em.

Đọc thêm