Mới đây, nhà thầu của tuyến tàu trên cao ga Cát Linh, Hà Đông đã phải mời các chuyên gia từ nước ngoài về để tẩy các hình vẽ trên thân các toa tàu. Trước đó, cuối tháng 12, bên thân các toa tàu trên cao của tuyến này đã bị một nhóm người đột nhập vào vẽ lên theo kiểu graffiti, làm mất mỹ quan của các toa tàu. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ của thói vẽ bậy nơi công cộng của nhiều người trẻ.
Cũng mới đây, chủ một cao ốc ở trung tâm quận 1, TP HCM cũng phải thuê thợ đến sơn lại toàn bộ mặt hông của tòa nhà vì bề mặt này cũng bị vẽ bậy theo kiểu graffiti, kèm với đó là những dòng chữ chửi thề bằng tiếng nước ngoài, hết sức mất mỹ quan và thô tục. Chủ tòa nhà cho biết đã phải chi hơn 40 triệu đồng chỉ để bề mặt tường mới, đẹp như cũ. Tuy nhiên, chủ tòa nhà cũng lo lắng sau khi sơn lại, bức tường vẫn tiếp tục là nạn nhân của trò vẽ bậy.
Trên đường phố TP HCM, không khó để tìm thấy những hình vẽ sơn phun theo phong cách graffiti khắp mọi nơi. Không ít nhà thầu đã phải “đau đầu” khi công trình vừa xây xong, sáng hôm sau đã phát hiện bị vẽ bậy lên, xử lý sạch lại, nhưng vài ngày sau lại bị... vẽ tiếp. Chưa kể đến các hình vẽ quảng cáo để kinh doanh, chỉ riêng các hình vẽ bậy do “ngứa tay” thôi cũng đã đủ khiến nhiều chủ nhà, chủ công trình hay người quản lý các công trình phải đau đầu. Còn nhớ, có thời điểm toàn bộ các địa điểm công cộng ở TP HCM, từ trung tâm cho đến ngoại ô xuất hiện dòng chữ “ca sĩ Hàn Quốc Hùng”. Dòng chữ này được phun bằng sơn khắp các công trình công cộng như lô cốt, tường nhà vệ sinh, hông cầu vượt, tường nhà... Đến nỗi, nhiều người dân cho rằng đây là một cách lăng xê nghệ sĩ kiểu... hầm cầu, ống cống.
Có thể thấy, nạn vẽ bậy có ở khắp nơi, từ đường phố, tường nhà, nhà hàng hay viện bảo tàng, thậm chí danh lam thắng cảnh cũng không thoát. Nhiều viện bảo tàng “đau đầu” vì những bạn trẻ vào tham quan đã... kí tên, vẽ nguệch ngoạc lên các bảo vật hay những bức tường chỉ để... lưu niệm. Điều tương tự cũng xảy ra tại nhiều di tích, danh lam thắng cảnh khi nhiều người trẻ thi nhau viết, vẽ lên tường, đá hay bất cứ khoảng trống nào chỉ để lưu dấu mình từng đến đây.
Hành vi vẽ bậy này có thể được coi là “phá hoại tài sản công cộng” và diễn ra rất phổ biến, liên tục tại các thành phố lớn trong nhiều năm nay, gây mất mỹ quan đô thị lẫn thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, từ trước đến nay hầu như chưa có một vụ xử lý nào dành cho những “kẻ phá hoại” này. Phải chăng, đó là lý do khiến những hành vi gây hại ngày càng tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng hơn?.