‘Căng mình’ chống thất thu thuế thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Khả năng thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang hiện hữu khi các cơ quan quản lý rất khó giám sát và thu thập thông tin về mua bán kinh doanh trực tuyến.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiềm năng và thách thức

Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Hiện có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế. Số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm (từ năm 2018 đến hết tháng 10-2021). Các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng.

Trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỷ đồng, trong đó số thu từ một số tập đoàn lớn như Facebook được 521 tỷ đồng; Google 490 tỷ đồng; Microsoft 164 tỷ đồng.

Riêng số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube, Apple... tính đến hết tháng 10/2021 là 498 tỷ đồng.

Với tốc độ phát triển TMĐT 2 con số, dư địa thu thuế đối với hoạt động TMĐT được nhận định là rất lớn và cùng với đó là bài toán chống thất thu NSNN. Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế (QLT) DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), bà Nguyễn Thị Lan Anh, khó khăn lớn nhất trong công tác QLT TMĐT hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế nhất là khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.

Hiện có quy định yêu cầu Ngân hàng thương mại và các tổ chức thực hiện trung gian thanh toán có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mà không có cơ sở thường trú và không chủ động thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam, tuy nhiên quy định này đã đặt ra một số vấn đề chưa rõ rang, khiến Ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bối rối.

Theo PGS-TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính), với sự đa dạng về phương thức, việc kiểm soát hoạt động thanh toán TMĐT là vô cùng khó khăn. “Thêm vào đó, ngay cả khi xác định có luồng tiền từ một chủ thể này sang một chủ thể khác cũng chưa thể khẳng định đó là hoạt động thanh toán cho giao dịch TMĐT, bởi lẽ có hàng trăm lý do để các chủ thể chuyển tiền cho nhau…”, Chuyên gia này dẫn chứng.

Ngoài ra, nếu chủ thể kinh doanh TMĐT cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch TMĐT càng trở nên khó khăn.

Cần chức năng điều tra cho cơ quan thuế

Ngày 12/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định 2146/QĐ-BTC phê duyệt đề án “QLT đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam”, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế để triển khai thực hiện từ năm 2025 nhằm tăng cường, mở rộng chức năng cho ngành Thuế.

Theo các chuyên gia, với dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD vào năm 2025, việc cơ quan thuế có thêm chức năng điều tra là cần thiết.

Trước mắt, ngay trong năm nay, Tổng cục Thuế quán triệt trong toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực TMĐT.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương, nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác QLT, chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT.

Cụ thể, các Cục Thuế thực hiện rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực TMĐT trong phạm vi địa bàn quản lý theo các nhóm đối tượng cụ thể như: doanh nghiệp có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (như Google, Facebook, Apple, Amazone…); doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tuyến; doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng dụng (như Booking.com, Agoda…); doanh nghiệp chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch TMĐT (như Sendo, Lazada, Shoppe…), điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán (như Vnpay, Airpay, Napas…), ứng dụng trung gian vận chuyển (như Grab, Now, Baemin…).

Cùng với giải pháp tuyên truyền, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở ban ngành, các DN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng để thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin của các tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT; Phối hợp với các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, để thu thập thông tin DN, thu nhập, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành các nền tảng trực tuyến (như Facebook, Google, Youtube…).

Đồng thời thực hiện tổng hợp, rà soát, đối chiếu thông tin dữ liệu các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh TMĐT, tham gia sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến, có phát sinh thu nhập từ các tổ chức nước ngoài với thông tin QLT để kịp thời xác định các trường hợp có phát sinh nghĩa vụ kê khai, nộp thuế nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế, kê khai nộp thuế theo quy định.

Đọc thêm