Việc cần làm ngay khi Mỹ hoãn áp thuế - Tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có 90 ngày để các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quyết liệt thay đổi hướng sản xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa đang được các thị trường lớn chú trọng.
Năm 2024, hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi thị trường Mỹ hơn 72.000 tấn, thu về hơn 400 triệu USD. (Ảnh: VOV)
Năm 2024, hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi thị trường Mỹ hơn 72.000 tấn, thu về hơn 400 triệu USD. (Ảnh: VOV)

Ứng phó như trong... đại dịch COVID-19

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong giai đoạn này, cần chuẩn bị các tình huống ứng phó giống như trong và sau thời kỳ COVID-19. Trong 90 ngày tạm hoãn này, đủ thời gian để doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đàm phán với các đối tác hiện có, sắp xếp các đơn hàng, nguồn nguyên vật liệu đang có sẵn, giải quyết các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng của mình.

“Việc này khó khăn nhưng có đủ thời gian để xoay chuyển, đặc biệt trong quan hệ thương mại quốc tế, DN phải quản trị dựa trên xuất xứ hàng hóa”, ông Phương nhấn mạnh.

Một phương án khả thi có thể thực hiện được sớm là các DN cần nhập thêm nhiều nguyên liệu từ Mỹ để tạo ra sự tương hỗ. “Nếu có thể đưa ra thỏa thuận CO - giữa 2 nước theo hướng, bàn ghế làm từ gỗ Mỹ xuất qua Mỹ thì chắc chắn có ưu đãi sẽ khuyến khích được việc bảo đảm xuất xứ nguồn gốc tốt hơn. Theo ông Phương, nguyên vật liệu, phụ liệu chưa phải là thế mạnh của Việt Nam nên cũng cần dịch chuyển nội địa hóa trong phần phụ liệu. Khi gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thì quản lý về xuất xứ sẽ chắc chắn hơn.

PGS.TS Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đánh giá, việc chính quyền Mỹ tạm hoãn áp dụng thuế quan để tiếp tục đàm phán là cơ hội, nhưng cũng là cảnh báo. Bởi một trong những điều kiện được dự báo đưa ra bàn đàm phán sẽ liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa và xuất xứ sản phẩm. Do đó, các DN Việt Nam cũng như DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và chính sách vĩ mô của Chính phủ, cần hướng đến việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhằm giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại.

“Tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm là hướng đi đúng đắn nhất để Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bản thân các DN FDI cũng phải chủ động trong việc này. Đó là trách nhiệm không chỉ của Việt Nam mà còn của DN FDI”, PGS.TS Phạm Thế Anh trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam.

Cũng theo PGS.TS Phạm Thế Anh, DN FDI không thể cứ vào Việt Nam và mang theo tất cả nguyên vật liệu vào Việt Nam sản xuất rồi xuất đi. Việc này không còn dễ dàng như trước nữa trong giai đoạn bối cảnh nhiều rủi ro hiện nay. Vì hiện các DN xuất khẩu đều phải chứng minh xuất xứ hàng hóa của mình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ, do đó, họ cần phải liên kết chặt chẽ với Việt Nam để cùng thay đổi.

Ngoài ra, cuộc chơi thương mại toàn cầu đã thay đổi nên Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc vào một thị trường lớn. Do đó, ngoài việc đàm phán với Mỹ, Việt Nam cũng cần chủ động làm việc với các đối tác thương mại lớn khác, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... mà cần mạnh dạn khai thác các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Nam Mỹ hay châu Phi.

Bên cạnh đó, cũng cần tránh phụ thuộc quá mức vào một vài ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Bởi ngay cả khi chấp nhận quy mô xuất khẩu giảm, nhưng nếu giá trị gia tăng trong xuất khẩu tăng lên, tăng trưởng vẫn có thể đạt được. Khi đó, lợi ích mang lại cho nền kinh tế vẫn được bảo đảm, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp thuế quan của các nền kinh tế lớn.

Tăng cường “nghe ngóng” thông tin thị trường

Liên quan vấn đề này, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, Bộ này vừa có văn bản gửi các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lưu ý các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời thông tin về cơ chế, chính sách, động thái thị trường thương mại quốc tế nhằm khuyến cáo, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên chủ động phương án trong sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hiệp hội là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp hội viên mở rộng, đa dạng hoá nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường nguyên liệu nhập khẩu. Khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên lưu ý bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ hàng hoá.

DN xuất khẩu ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với tình hình thương mại quốc tế mới thông qua tìm kiếm khách hàng, đối tác từ các thị trường nhập khẩu còn nhiều dư địa, tiềm năng để khai thác và phát triển cần lưu ý cân nhắc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hoá xuất khẩu.

Đọc thêm