Căng thẳng Biển Đông làm người Việt ngày càng chuộng hàng Việt

(PLO) -Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị  tổng kết 5 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo báo cáo, người Việt ngày càng có xu hướng yêu chuộng hàng Việt, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn HD 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Người Việt Nam ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Theo ước tính có trên 71% người Việt Nam tin tưởng hàng Việt. Tại một số địa phương, hơn 80% người tiêu dùng ưa chuộng các mặt hàng dệt may, da giày nội địa. Hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước có hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên 80% (hệ thống Big C gần 90%, Saigon Coop 95%, Vinatex mart 100%). Đơn cử như Tập đoàn Dệt may (Vinatex) hiện có tới 4.125 điểm bán hàng ở hầu khắp các huyện vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Tổng Công ty Giấy Việt Nam cũng đang tích cực "phủ sóng," đưa thêm các điểm bán hàng tới khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.
Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, trong 5 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam Bộ Công Thương và các địa phương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn. Trong đó có hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 34,47 nghìn tỷ đồng. 
Tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia.
Mặc dù đạt được nhiều thành công, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng cuộc vận động còn tồn tại nhiều bất cập. Các doanh nghiệp chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản, còn thiếu kỹ năng chăm sóc khách hàng, bán hàng, thậm chí lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại… Nhiều địa phương, ngành vẫn chưa thực sự vào cuộc, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng./.

Đọc thêm