Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BGTVT, có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2020, quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam (QCVN 39:2020/BGTVT). So với quy chuẩn hiện hành, các trường hợp báo hiệu đường thủy đặc biệt được bổ sung trong quy chuẩn mới cho phép ứng dụng báo hiệu điện tử, tự động để chỉ dẫn phương tiện thủy đi lại trên luồng.
Theo đó, tại một số vị trí báo hiệu mực nước biến động theo thời gian, cho phép dùng các biển báo điện tử, có chữ phát sáng hoặc không phát sáng để thông báo các thông tin liên quan đến tình hình luồng lạch, chỉ dẫn việc đi lại của phương tiện để đảm bảo an toàn, xác định khu vực có công trường đang hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa.
Tại các khoang thông thuyền của các công trình cầu vượt sông phải được bố trí thiết bị cảnh báo tĩnh không tự động hoạt động liên tục 24/7 và kết nối trực tuyến, sơn vẽ thước nước ngược. Vào ban đêm, khoang thông thuyền phải được chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED và được trang bị đầy đủ các báo hiệu, tín hiệu cảnh báo.
Đặc biệt, quy chuẩn mới quy định: Ưu tiên sử dụng báo hiệu được sản xuất từ các loại vật liệu mới chống hoặc hạn chế ăn mòn, tiết kiệm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, thân thiện với môi trường như: báo hiệu nhựa (PE, PVC và các loại nhựa cường độ cao khác), gỗ, nhôm, hợp kim hoặc thép mạ kẽm...
Quy chuẩn nêu rõ, độ chiếu sáng của tín hiệu ban đêm phải đảm bảo có tầm nhìn xa ít nhất là 1000m bằng mắt thường trong điều kiện tầm nhìn xa lý tưởng. Ánh sáng của tín hiệu ban đêm có 4 màu là đỏ, xanh lục, vàng và trắng. Đối với trường hợp sử dụng đèn điện để chiếu sáng biển báo hiệu thì phải đảm bảo nhìn thấy rõ báo hiệu từ phạm vi 500m trở lên trong điều kiện tầm nhìn xa lý tưởng.