Cảnh báo nạn bán hàng dởm trên truyền hình

“Các kênh truyền hình phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc đưa sản phẩm kinh doanh trên truyền hình. Giá như cơ quan chức năng kiểm tra ngay từ khâu đầu vào cũng như các vấn đề liên quan đến bảo hành, bảo trì được cam kết thì người tiêu dùng sẽ không đến nỗi bức xúc khi mua nhầm hàng kém chất lượng thông qua các kênh truyền hình”…

“Các kênh truyền hình phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc đưa sản phẩm kinh doanh trên truyền hình. Giá như cơ quan chức năng kiểm tra ngay từ khâu đầu vào cũng như các vấn đề liên quan đến bảo hành, bảo trì được cam kết thì người tiêu dùng sẽ không đến nỗi bức xúc khi mua nhầm hàng kém chất lượng thông qua các kênh truyền hình”…

Đó là ý kiến Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM nói về thực trạng “thượng đế” than phiền, kêu ca chuyện hàng kém chất lượng được bán thông qua truyền hình.

Lời mời “có hình, có cánh”!

Các nội dung quảng cáo không được kiểm chứng, nhiều loại hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, chất lượng không rõ ràng, quảng cáo quá mức. Hiện có nhiều kênh truyền hình thực hiện quảng cáo và bán hàng trực tiếp đến khách hàng. Nhờ có hình ảnh sinh động kèm theo những lời mời gọi “có cánh” nên kiểu bán hàng này đang thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hàng dỏm, kém chất lượng cũng ngày càng xuất hiện nhiều khiến không ít người tiêu dùng “sập bẫy”.

Các chương trình bán hàng trên truyền hình đang nở rộ, khó kiểm soát chất lượng
Các chương trình bán hàng trên truyền hình đang nở rộ, khó kiểm soát chất lượng

Chị Huỳnh Thị Cẩm (nhà ở quận Bình Tân – TP.HCM) kể, mới đây khi tình cờ mở một kênh truyền hình bán hàng, chị thấy đang quảng cáo bộ nồi Hàn Quốc với nhiều công dụng nhưng giá chỉ gần hai triệu đồng nên quyết định gọi điện thoại đặt mua.

Chỉ ba ngày sau, nhân viên đã đến giao hàng. Tuy nhiên, khi sử dụng vài lần thì thấy nồi có mùi khét, nghi là bị cháy lớp sơn bên ngoài. Tìm lại hóa đơn mua hàng để có thể khiếu nại, chị mới tá hỏa vì trên phiếu thu tiền chỉ ghi mờ mờ, không có địa chỉ và số điện thoại...

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT ) TP.HCM, hầu hết những hành vi vi phạm trên đều có liên quan đến người nước ngoài nên rất khó xử lý. Vào cuối năm 2012, cơ quan chức năng đã kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Home Shopping Việt Nam (quận Tân Bình - TPHCM) do ông Kim Dong Choon, quốc tịch Hàn Quốc, đứng đầu chi nhánh.

Tại đây, lực lượng kiểm tra đã tạm giữ 387 máy tập đi bộ giả mạo nhãn hiệu hàng hóa cùng số hàng hóa nhập lậu gồm vali, máy sấy tóc, máy hút bụi, bàn ủi, máy xay sinh tố… Cơ quan chức năng xác định những sản phẩm vi phạm này là của Công ty TNHH Home Shopping Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội và do một người Hàn Quốc khác đứng tên làm giám đốc kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Đội phó Đội QLTT 2A, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần yêu cầu các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm lên truyền hình quảng cáo phải thông tin rõ ràng về địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp để không chỉ người tiêu dùng mà cả cơ quan chức năng cũng thuận lợi trong kiểm tra, kiểm soát.

Bà Võ Thị Ngọc Hường, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Saigon Co.op - đơn vị kết hợp với Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện kênh bán hàng HTV Co.op, cho biết để bảo đảm niềm tin cho người tiêu dùng. Theo bà Hường, dòng sản phẩm kinh doanh qua truyền hình dễ thu hút khách hàng nhất chính là đồ dùng gia đình. Vì những sản phẩm này thường dễ vận chuyển, kiểm tra hàng hóa nhưng cũng rất dễ bị nhái, hàng giả, nhất là khi người tiêu dùng chọn mua những kênh không bảo đảm uy tín.

Cấm kinh doanh lừa dối hoặc gây nhầm lẫn

Có thể nói, thực trạng vi phạm các quy định của loại hình kinh doanh này là rất nhiều, hầu hết những nội dung quảng cáo trên truyền hình đều không được kiểm chứng về chất lượng, không có địa điểm kinh doanh, không có hóa đơn, chứng từ, thậm chí không có nguồn gốc xuất xứ; khách hàng sau khi mua xong cho dù có muốn khiếu nại cũng không biết khiếu nại ở đâu(?)

 Luật sư Nguyễn Bảo Trâm- Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, những hành vi này bị cấm, nếu vi phạm thì tùy theo tính, mức độ vi phạm mà bị khiếu nại, tố cáo, bị khởi kiện, bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Điều 8 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 đã quy định những hành vi bị cấm trong quá trình sản xuất, mua bán hàng hóa, trong đó cấm: Mua bán hàng hóa không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, không có nguồn gốc rõ ràng, đã hết hạn sử dụng; thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa.

Sản phẩm lên truyền hình cần thông tin xuất xứ rõ ràng

Báo cáo tổng kết năm 2012 của Chi cục QLTT TP.HCM, cơ quan này đã xử lý và xử phạt một số vụ vi phạm kinh doanh qua truyền hình khá nổi cộm với tổng số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Tuy vậy, tình trạng vi phạm các quy định của loại hình kinh doanh này vẫn còn nhiều.

Qua kiểm tra, xử lý những trường hợp bán hàng qua truyền hình trong thời gian qua cho thấy hầu hết nội dung quảng cáo đều không được kiểm chứng, không có địa điểm kinh doanh (sử dụng hình thức giao hàng tận nơi nhằm giấu địa điểm kinh doanh); nhiều loại hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, xuất xứ; chất lượng không rõ ràng; quảng cáo quá mức, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra…

Còn theo Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 (Luật BVQLNTD) thì cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung về:

Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...

Chưa hết, tại Khoản 9 Điều 9 Luật Quảng cáo năm 2012 (LQC) cũng cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố - Luật sư Trâm phân tích..

Khi phát hiện hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật nêu trên gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích công cộng…, nếu chọn cách thức khiếu nại thì người tiêu dùng, cá nhân, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch yêu cầu giải quyết. Dĩ nhiên, việc khiếu nại phải có bằng chứng, thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật đó (Điều 25, Điều 49 Luật BVQLNTD).

“Nhà đài” phải chịu trách nhiệm liên đới

Theo Luật sư Trâm, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua phương tiện truyền thông thì theo Điều 13 Luật BVQLNTD, chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (ở đây là đài truyền hình, kênh truyền hình) phải chịu trách nhiệm liên đới với tổ chức, cá nhân kinh doanh đó, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.

Hơn nữa, tại các Điều 11, 14 LQC quy định: Người phát hành quảng cáo có quyền và nghĩa vụ kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo; yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo; thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã ký kết và chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Tổ chức, cá nhân vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Với cá nhân vi phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với việc bán hàng hóa không đúng như quảng cáo trên truyền hình thì tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đến đâu mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một số tội theo Bộ luật Hình sự như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157), tội quảng cáo gian dối (Điều 168)...

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm cho biết thêm: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa cung cấp thông tin không đúng sự thật cho người tiêu dùng dù trực tiếp hay thông qua đài, kênh truyền hình, nếu vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, về chất lượng hàng hóa, về quảng cáo... thì bị cơ quan chức năng xử lý.

Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính như: bị phạt tiền, bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính....

Bên cạnh đó, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp ...

Với cá nhân vi phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, nếu việc vi phạm đó gây thiệt hại thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trần Phong – Hoàng Đạt

Đọc thêm