Khi nông dân làm diễn viên
Tây Mô (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm -Hà Nội) là một trong những làng phim trường bền nhất. Từ hàng chục năm nay, làng vẫn thu hút các đoàn về sản xuất phim, bởi vẫn còn giữ được nhiều nhà cổ, cảnh quê phù hợp. Và hơn thế, bà con nông dân luôn nhiệt tình, sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các nhà làm phim tác nghiệp.
Bà Hoàng Thị Yên, một người quyết tâm giữ nhà cổ, mấy chục năm nấu cơm phục vụ các đoàn làm phim cho biết: “Quan trọng nhất là người làng cởi mở. Khi được huy động làm diễn viên quần chúng thì người dân cũng rất thích thú và tham gia nhiệt tình”.
Ghi nhận trước đóng góp của bà con làng Tây Mỗ, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, bà con làng Tây Mỗ không chỉ quý người mà họ tham gia nhập vai cũng rất đạt. Khi quen với các đoàn làm phim rồi, họ chỉ nghe đạo diễn hướng dẫn một lần là biết làm, nên không phải quay đi quay lại nhiều lần.
Hay như làng Hương Gia và Thụy Hương, thuộc xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng từng làm nức lòng công chúng bởi những vai quần chúng rất đạt trong phim “Đất và người”, “Thương nhớ đồng quê”, “Tết độc lập” cùng nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng khác.
Người có công phát hiện ra sự độc đáo của hai ngôi làng này là đạo diễn Đặng Nhật Minh vào năm 1995 khi ông đi tìm bối cảnh cho phim “Thương nhớ đồng quê”.
Không chỉ bối cảnh cổ kính, có đường đê, cây đa, bến nước, mái đình… chính sự cởi mở của người dân, vừa là diễn viên quần chúng, vừa giúp các đoàn làm phim dựng phim trường, tìm kiếm đạo cụ, đã khiến các đạo diễn “mê”.
Bà Nguyễn Thị Gái, người có thời gian được vinh dự góp mặt vào hơn 20 bộ phim, bộc bạch: “Ngày đó, cả nhà tôi làm diễn viên quần chúng. Tiền công các đạo diễn chi cho không đáng là bao, nhưng rất vui vì chúng tôi thấy mình được đóng góp cho phim ảnh. Từ năm 2006 trở về trước, có khi đến nửa làng đi làm diễn viên quần chúng, bởi có phim cần đến vài trăm người trong cảnh nhớn nhác chạy giặc”.
Mới đây nhất, 300 bà con nông dân ở huyện Hoa Lư (Ninh Bình) trở thành “diễn viên”, khi đoàn làm phim về quay trong gần 20 ngày. Đoàn làm phim đến từ Hollywood đã hoàn thiện các cảnh quay tại Tràng An, Tam Cốc - Bích Động và đầm Vân Long. Đây là lần đầu tiên bà con nông dân được tham gia với một đội ngũ làm phim nước ngoài chuyên nghiệp và hoành tráng.
|
Nhiều vai quần chúng phải diễn các phân cảnh khá vất vả |
Không có tương lai?
Tâm sự với những diễn viên quần chúng, dù xuất hiện ít, thậm chí là một vài phân cảnh thì họ cũng phải trải qua sự vất vả. Ví dụ như có đoàn làm phim kém chuyên nghiệp, cử người đứng chặn một khúc đường để nhờ những người tan chợ về giúp mình làm phim. Nhiều người nhiệt tình dừng lại giúp, nhưng phải đợi để đoàn làm phim “gom” đủ 30 người, rồi chờ được dặn dò rồi mới quay cảnh.
Dù chỉ một cảnh thì người dân đã phải đợi từ sáng tới qua 12 giờ trưa. Lúc đó có người đã đói mềm người, nhưng chỉ được đoàn phát cho 5 nghìn đồng/người. Sau đó, bộ phim được vinh danh. Nhưng những diễn viên quần chúng có đóng góp, thậm chí nhiều người đã phải nhọc sức vì nghệ thuật, nhưng họ bị lãng quên luôn.
Hay như diễn viên quần chúng trong phim chiến tranh, diễn viên quần chúng phải lội sông, lăn lê bò toài trên mặt đất, hay làm những việc mà diễn viên chính không thể làm. Một diễn viên quần chúng kể:
“Có những phim tôi bắt xe buýt từ TP Hồ Chí Minh xuống tận tỉnh Vĩnh Long chỉ đóng một cảnh người mẹ mất con. Mới xuống đến nơi đã ôm mộ gào khóc, mà ở dưới đó thì bùn lầy, vắt muỗi quá trời, vừa ôm mộ thì vắt cắn nên nhảy tâng tâng và phải diễn lại nhiều lần. Tôi làm hết những yêu cầu của đạo diễn, tất cả cũng vì đam mê”.
Chung chia sẻ, bà Hoàng Thị Yên ở làng Tây Mỗ cho rằng, nhiều khi bà được đạo diễn “đón” đi tận Hòa Bình để quay một vài phân đoạn ngắn. Không vì chuyện tiền công, bà chỉ quan niệm là cởi mở tấm lòng, giúp được người là sẵn sàng.
Nhưng phải khẳng định, ở nước ta, nền điện ảnh chưa phát triển. Và nghề diễn viên phụ chưa được quan tâm đúng mực, thậm chí là không có tương lai, dù có người ước mơ được nổi tiếng, kiếm được tiền. Thực tế là, phân cảnh của họ chỉ diễn ra vài giây, không đủ để khán giả nhớ mặt, nhớ tên. Nên có người tham gia nhiều phim mà chỉ có đạo diễn nhớ mặt, còn khán giả thì… chịu (!).
Và vì điện ảnh chưa phát triển nên nói gì thì nói, ở nước ta chưa thật sự hình thành một nghề diễn viên quần chúng. Bởi nghề này bấp bênh, thu nhập thấp, thậm chí chỉ mang tính chất vui vẻ, giúp đỡ, chứ người dân không quan trọng chuyện thù lao bởi đó là khoản vô cùng ít ỏi.
Ngay như Trung Quốc, cần tới 10 nghìn diễn viên quần chúng, thì nhiều người vẫn coi đó chỉ là công việc tạm thời, không đủ để làm thành tên tuổi. Đạo diễn Thành Công chia sẻ: “Chúng tôi trân trọng những đóng góp của diễn viên quần chúng. Tuy nhiên, đó là công việc rất bấp bênh”.
Ông Thành Công cũng như nhiều diễn viên quần chúng có chung tâm sự rằng, dù là vai nhỏ thì diễn viên quần chúng cũng có lòng tự trọng. Họ cần được đối xử tốt, tôn trọng, không phải kiểu như sai bảo hay quỵt tiền công. Bởi không có họ thì nhiều bộ phim thậm chí không thể sản xuất.