Câu chuyện lý-tình trong phim 'Nội chiến siêu anh hùng'

(PLO) - Hành động hoành tráng và lời thoại hài hước là nét chung của nhiều phim Hollywood, đặc biệt là dòng phim về siêu nhân, siêu anh hùng. Với “Captain America: Civil War” (Nội chiến siêu anh hùng), phim có điểm cộng mới, thậm chí có thể coi là tầm cao mới. Đó là về nội dung, về cốt truyện. 

Không ai đứng trên luật pháp

Phần lớn dòng phim anh hùng tập trung thể hiện các trận đấu, trận chiến long trời lở đất giữa một bên là siêu nhân và một bên là siêu quái, một bên chính, một bên tà và các nhân vật chính ít có cơ hội bộc lộ thế giới nội tâm đời thường của họ. Trong “Captain America: Civil War”, các siêu anh hùng mâu thuẫn ngày càng gay gắt, chia làm hai phe, lâm vào cảnh nội chiến huynh đệ tương tàn. Lý do là họ ủng hộ hoặc phản đối việc được/bị giám sát, phải tuân thủ pháp luật, cụ thể là Hiệp ước Sokovia được 171 nước thành viên Liên Hợp Quốc phê chuẩn.

Trong truyện tranh của Marvel, Hiệp ước Sokovia được 117 quốc gia phê chuẩn, trong đó có Mỹ, Nga, Anh, Đức, Ý, Áo…Theo Hiệp ước Sokovia, một cơ quan quản lý quốc tế sẽ được thành lập để giám sát, điều chỉnh tất cả các siêu nhân, kể cả các Avengers (thành viên biệt đội siêu anh hùng). Từ khi Ngoại trưởng Mỹ Thunderbolt Ross thông báo về Hiệp ước Sokovia, các thành viên biệt đội siêu anh hùng mâu thuẫn ngày càng gay gắt, chia làm 2 phe ủng hộ (đứng đầu là Iron Man) và phản đối (đứng đầu là Captain America). 

Sự ra đời của Hiệp ước Sokovia và cuộc chiến trong lòng Avengers bắt nguồn từ một thực tế đau lòng: không ít người vô tội thương vong trong khi các siêu anh hùng ra tay chống lại cái ác, bảo vệ hòa bình và công lý. Thực tế này khiến các thành viên Avengers day dứt. Và đây chính là mảnh đất để hai anh em đạo diễn Anthony Russo và Joe Russo thể hiện được những nét nổi trội về cốt truyện và nội tâm nhân vật.

Trong một bộ phim siêu anh hùng trước đó, “Batman v Superman: Dawn Of Justice” (Người dơi đại chiến siêu nhân: Ánh sáng công lý), vấn đề thượng tôn pháp luật, coi trọng sinh mạng con người đã được đề cập. Nhưng với “Captain America: Civil War”, vấn đề này được mổ xẻ chi tiết khiến người xem thực sự bị thuyết phục.

Đầu phim là cảnh 5 siêu anh hùng truy đuổi một nhóm khủng bố, cản chúng sử dụng vũ khí sinh học. Trong trận chiến này, Scarlet Witch cứu mạng Captain America, nhưng quả cầu lửa của cô cũng khiến một tòa nhà đổ sập. Máy quay cận cảnh gương mặt cô thất thần, đôi bàn tay run rẩy trong mấy giây. Sau đó là Iron Man bị một bà mẹ da màu đau khổ, quy trách nhiệm cho cái chết của con trai bà – một thanh niên hăm hở lên đường làm tình nguyện trước khi bước vào giảng đường đại học, để rồi chết thảm (nhà sập) trong một trận đánh của Avengers. Khi Ngoại trưởng Ross cho chiếu hình ảnh các siêu anh hùng hành động ở nước ngoài, vô tình gây thiệt hại về nhân mạng, vật chất ở nước sở tại, họ không chịu được cảm xúc dâng trào trong lòng, yêu cầu ngừng chiếu.

 

Iron Man chủ trương tham gia Hiệp ước Sokovia, không ai có quyền đứng trên luật pháp, tự do hành động; siêu anh hùng cũng phải chịu sự giám sát toàn diện, nhất là khi thực hiện các chiến dịch bí mật ở nước ngoài. Nhưng Captain America cho rằng, nếu làm thế, Avengers sẽ mất tính chủ động, dễ đánh mất những cơ hội quý báu để cứu những người mà tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, đang đếm ngược từng phút, từng giây. 

Các giá trị Mỹ

Thông qua sự trăn trở, day dứt, xung đột giữa các siêu anh hùng, “Captain America: Civil War” vô tình hoặc hữu ý đã khéo léo PR các giá trị Mỹ, ít ra là “E Pluribus Unum”, “In God We Trust” và “Liberty”. Và những trăn trở, day dứt, xung đột ấy cũng rất thời sự nếu liên hệ với hiện tại, khi mà Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị chỉ trích vì đã nghe lén công dân Mỹ, công dân nhiều nước khác khắp thế giới, khi mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thất thủ trước một Apple “ương ngạnh” không chịu mở khóa chiếc iPhone của một kẻ xả súng thảm sát người dân, để FBI phải tốn hơn 1,3 triệu USD để nhờ hacker bẻ khóa.

Tuy nhiên, riêng vụ Apple đối đầu FBI đậm chất xi-nê-ma này, phải bàn thêm một khả năng, FBI và Apple đã “bắt tay” nhau để viết kịch bản đánh bóng giá trị Mỹ, để người dân Mỹ và nhiều nước khác thấy rằng, chính phủ quyết tâm bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng không hy sinh lợi ích hợp pháp, quyền riêng tư của công dân, dù là một tay súng giết người.

Các chi tiết trong phim “Captain America: Civil War” cũng như sự kiện ngoài đời dễ dàng cho người xem, người đọc cảm giác Mỹ thực sự tôn trọng pháp quyền, nhân quyền, mọi người bình đẳng trước pháp luật, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, không phân biệt màu da, văn hóa, quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo… Không vì anh là siêu anh hùng mà có quyền sinh quyền sát, để người vô tội chết oan. Nhưng cũng không vì thế mà cứng nhắc, tuyệt đối cái lý mà coi nhẹ cái tình. Đây cũng là một nét dân sinh, một điểm cộng trong “Captain America: Civil War”.

Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình

Captain America không muốn gia nhập Hiệp ước Sokovia không phải vì muốn tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm. Anh chỉ không muốn bị thủ tục ràng buộc, cản đường. Anh chỉ muốn nhanh chóng hành động để cứu được càng nhiều mạng người càng tốt. Anh năm lần bảy lượt bảo vệ “chiến binh mùa đông” Bucky Barnes – một sát thủ bị tẩy não từng gây nhiều tội ác, trong đó có tội ác đối với một thành viên Avengers.

Trong “Captain America: Civil War”, Bucky Barnes và Iron Man cũng được xây dựng gần gũi với đời sống, với đời thực. Bucky Barnes khi bị kích hoạt chế độ sát thủ thì ra tay lạnh lùng, tàn nhẫn, nhưng khi bình thường, anh lại có những trăn trở, suy nghĩ chín chắn. Khi xem “Captain America: Civil War”, khán giả nên nán lại đến phút cuối cùng, phần chạy chữ sẽ xuất hiện đoạn phim ngắn nói về suy nghĩ, số phận của Bucky Barnes – chi tiết có thể mở đường cho phần phim tiếp theo với trọng tâm là nhân vật báo đen Black Panther – hoàng tử quốc gia Wakanda (hư cấu) ở châu Phi.

Một nhân vật ấn tượng khác trong “Captain America: Civil War” là Black Window, không chỉ vì những đòn kẹp cổ, nhào lộn đẹp mắt mà còn vì sự “phản bội”, “phản trắc” đúng thời khắc quyết định nhất. Black Window theo phe Iron Man, tham gia trận đánh gần như không nương tay với phe Captain America. Lẽ ra cô có thể bắt sống Captain America và Bucky Barnes, nhưng rồi lại quay ra tấn công phe mình, tạo điều kiện để họ trốn thoát vì cô nghĩ mình làm thế là đúng.

Trước sự “phản phé” của Black Window, Iron Man giận dữ chỉ thốt ra cụm từ “điệp viên hai mang” ám chỉ quá khứ của cô. Trong loạt truyện tranh của Marvel và các tập phim chuyển thể, ban đầu, Black Window là một điệp viên Nga, địch thủ của Iron Man, nhưng sau đào ngũ, làm việc cho Mỹ, trở thành đặc vụ của tổ chức tình báo (hư cấu) S.H.I.E.L.D và thành viên của biệt đội siêu anh hùng Avengers.

Các lý-cái tình còn được thể hiện ở chi tiết Iron Man cũng “phản phé”, nói dối Ngoại trưởng Ross, bí mật bay đi tìm Captain America và Bucky Barnes; các thành viên phe Captain America bị chính phủ giam trong nhà tù siêu đặc biệt, nhưng rồi có người giúp họ vượt ngục…/.

Đọc thêm