Huỳnh Văn Có tại cơ quan điều tra |
Vợ chồng ông Huỳnh Văn Đoàn (50 tuổi, ngụ ấp Mỹ Long) có 5 người con. Trong đó Có là con trai út. Còn chị Huỳnh Thị Nhớ (29 tuổi) là con thứ hai (thường gọi là chị Ba theo cách gọi Nam bộ). Chị Nhớ lấy chồng là anh Nguyễn Duy Khánh (29 tuổi, ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy). Cuối năm 2013, hai vợ chồng sinh được cháu Nguyễn Huỳnh Hương Thảo.
Chiều ngày 23/8/2014, vợ chồng anh Khánh ẵm con gái 9 tháng tuổi về nhà cha vợ ở ấp Mỹ Long chơi. Đến khoảng 16h, lợi dụng lúc cả nhà đi vắng, Có đã đưa cháu gái là Hương Thảo ra giữa cánh đồng lúa gần nhà. Trước khi đi, Có không quên để lại một “tối hậu thư” ngắn trên mặt bàn với nội dung yêu cầu vợ chồng chị gái và cha mẹ ruột phải bằng mọi giá chuẩn bị cho gã đủ 25 triệu nếu không thì sẽ “nhận xác” cháu nhỏ.
Ngoài ra, Có còn hứa sau khi trả hết nợ nần sẽ dứt khoát “hoàn lương” làm lại từ đầu, từ bỏ bài bạc. Khi gia đình phát hiện hành vi mà Có gây ra, hết người này tới người khác đã điện thoại khuyên Có nên từ bỏ suy nghĩ nông nổi nhưng “tay đã nhúng chàm”, người cậu “quái dị” này vẫn kiên quyết mang cháu gái đi để “tống tiền” chính gia đình mình. Lo lắng cho tính mạng của cháu bé, người nhà đã đồng ý thương thảo.
Trao đổi qua điện thoại, Có cho biết thời gian trao đổi “con tin” sẽ là đêm hôm ấy, địa điểm ở trên bờ đê gần nhà. Có yêu cầu gia đình tuyệt đối không được báo cho công an địa phương, cũng không được cho người lạ biết hay tham dự, nếu không sẽ không tha cháu nhỏ. Sau khi nhận được tiền và an toàn rời đi, Có sẽ nhắn tin thông báo nơi cháu Thảo đang ở để gia đình đến đón về.
Nhận thấy sự việc càng lúc càng nghiêm trọng, anh Khánh và gia đình vừa gấp rút “chạy đôn chạy đáo” khắp nơi chuẩn bị tiền bạc vừa quyết định trình báo tới cơ quan công an để mong giải cứu cháu nhỏ an toàn. Hai vợ chồng đi rút hết số tiền tiết kiệm trong tài khoản nhưng vẫn chưa đủ. Không khuyên bảo được đứa con trai “giời đánh”, ông Đoàn phải đi vay thêm hàng xóm lo đủ số tiền 25 triệu theo yêu cầu của Có.
Khi đã đủ tiền, đêm hôm ấy, trên con đường đê cạnh nhà, ông Đoàn lặng lẽ mang túi tiền tới đúng vị trí giao hẹn với con trai. Sau khi nhận đủ tiền và nhanh chóng biến mất trong đêm tối, Có mới nhắn tin cho người thân thông báo nơi giấu cháu Thảo ở giữa cánh đồng cách nhà chừng 200m. Hồi hộp xen lẫn lo lắng, ông Đoàn và các con liền nhanh chóng tới căn nhà bỏ hoang đưa cháu nhỏ về. Rất may là cháu Thảo vẫn khỏe mạnh, chưa có bất kỳ tổn thương nào.
Về phần hung thủ, sau khi tới địa điểm nhận tiền gã đã bị lực lượng Công an xã Thiện Chí âm thầm theo dõi để tổ chức vây bắt. Tuy nhiên do lực lượng an ninh ít, trời tối, cánh đồng lúa lại mênh mông nên Có đã nhanh chóng tẩu thoát. Chỉ tới rạng sáng ngày 24/8, khi Công an huyện Cái Bè bổ sung lực lượng, nghi can mới hết đường chạy trốn.
Chỉ tại “máu đỏ đen”
Sau khi sự việc hy hữu xảy ra, cha mẹ, chị gái của Có đều cảm thấy xấu hổ với hàng xóm, làng giếng, không giám vác mặt đi đâu. Họ chỉ có thể tự an ủi bản thân rằng: Có “túng quá hóa quẩn” nên làm liều. Nhắc đến Có, những người thân trong gia đình và hàng xóm xung quanh đều xác nhận thường ngày của thanh niên này khá hiền lành, ít nói, thậm chí nhút nhát trừ mỗi việc bị “ma đỏ đen” hút hồn.
Nhắc lại quá khứ hiền ngoan của cậu con trai, ông Đoàn tiếc nuối: “Ngày trước, thằng Có ngoan lắm, chịu khó học hành, thành tích học tập ở lớp còn vào loại khá nữa”. Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu đảo ngược kể từ khi Có cặp kè với những người bạn xấu ở địa phương. Học cái tốt thì lâu chứ làm theo cái xấu thì chẳng mấy chốc, Có nhanh chóng thuộc hết mọi ngón ăn chơi, từ bài bạc cho đến đá gà, cá độ đá banh…
Ông Đoàn (cha ruột Có) |
Nói là nghỉ học để phụ giúp đồng áng cho cha mẹ, nhưng kỳ thực từ sáng tới tối Có không hề có mặt ở nhà mà thường trực tại những tiệm internet, trường đá gà, những nơi đá banh cá cược… Chỉ trong một thời gian ngắn, Có đã nhanh chóng trở thành khách quen, “khách mối” của những tụ điểm đỏ đen trong vùng. Nhiều lần ông Đoàn và vợ đã cất công tìm kiếm nhằm ngăn chặn thói ham chơi của con nhưng đều công cốc.
Quen thói chơi bời, nằm ở nhà 1 ngày, cậu “quý tử” cũng cảm thấy cuồng chân nên chẳng mấy chốc đã lại “ngựa quen đường cũ”. “Nghĩ Có là con trai, sợ ở nhà một mình sinh buồn chán nên đôi khi chúng tôi cũng không quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy mà nó mới đi vào con đường sai lầm”, bà Mai Thị Phan (52 tuổi, mẹ Có) ngậm ngùi. Cứ như vậy, Có ngày càng lún sâu vào những cuộc vui trên chiếu bạc.
Người đời đã có câu “cờ bạc là bác thằng bần”, đã dính vào ma lực của bùa “đỏ đen” thì có núi vàng, núi bạc cũng tiêu tan. Cá cược càng nhiều nhưng Có chẳng bao giờ có tiền rủng rỉnh mà chỉ thấy gã thua triền miên. Ban đầu chỉ là những khoản nợ vài trăm ngàn, nhưng càng về sau khoản vay lãi “sinh sôi nảy nở” thành những món nợ “kếch sù”. Thua càng đau, Có càng đánh càng lớn và tất nhiên nợ càng nhiều.
Nguy hại hơn, khi chủ nợ tìm đến nhà hăm dọa, hai vợ chồng ông Đoàn lại vì thương đứa con trai độc nhất nên mang tài sản trong nhà đi bán trả nợ cho con. Chỉ trong vòng 2 năm, gia đình đã phải 4 lần trả nợ với số tiền lên tới hơn mấy chục triệu đồng.
Cũng chính vì thương con, chiều con như vậy mà mọi việc càng ngày càng xấu. Có chẳng những không ăn năn hối cải, ngược lại gã lại chơi bời nhiều hơn, vừa vì tự tin có cha mẹ “chống lưng”, vừa vì đám bạn xấu dụ dỗ, lôi kéo khi cho rằng y là “đại công tử nhà giàu” , “kho vàng chưa khai thác”.
Thời gian gần đây, ông Đoàn quyết định mạnh tay bằng việc không quan tâm, chu cấp cho Có nữa. Trong khi đó, thanh niên này lại đang phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ hàng ngày bị chủ nợ đeo bám. Sợ “luật giang hồ”, nhiều lần Có đã quỳ lạy van xin cha mẹ, nhưng vì chưa thể tin tưởng nên ông Đoàn vẫn theo dõi thái độ chứ chưa dám đưa tiền “cứu nạn” cho con. Trong lúc bí quá không biết xoay xở cách nào thì Có nảy ra “sáng kiến” bắt cóc cháu gái nhằm tống tiền gia đình.
Tại cơ quan công an, Có đã khai nhận những gì mình gây ra. Hỏi động cơ, hung thủ thành thật nói: “Lúc đó em bị người ta đòi nợ riết quá nên chỉ nghĩ làm cách nào có tiền chứ không suy nghĩ nhiều. Em cũng thương cháu Thảo lắm và không có ý định làm hại cháu”.
Có đã không thể ngờ rằng hành vi của mình đã cấu thành tội phạm, gây nguy hiểm cho xã hội. Câu chuyện và việc làm của Có cũng là bài học cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái, và là tấm gương “tày liếp” cho những thanh niên đang bán mình cho tệ “đỏ đen”.