Ngôi nhà mà bà Thịnh và hai người chồng đã cùng chung sống với nhau suốt nhiều năm trời |
Bà Thịnh vốn là con nhà nghèo nhưng tuổi thơ cũng không quá nhiều sóng gió. Năm 1979 bà gặp một người đàn ông và đem lòng nhớ nhung, yêu mến. Người đàn ông đó là ông La Văn Khảm, sinh năm 1941, quê ở Xuân Trường, Nam Định, làm nghề lái tàu thủy chở cát và vật liệu xây dựng của Hợp tác xã Vận tải Bắc Hà.
Ngày ấy, ông Thịnh thường xuyên chở hàng qua lại trên dòng sông Đáy cạnh nhà bà Thịnh. Năm ấy bà mới ở tuổi đôi mươi, một lần bà ra sông vớt bèo, ông Khảm khi đó bị sốt rét đã gặp và nhờ bà mua thuốc giùm. Cảm kích tấm lòng của bà, từ đó ông Khảm mượn cớ xin chén trà uống cho ấm bụng. Tình yêu nảy nở rồi cứ thế lớn dần. Bà Thịnh tủm tỉm nhớ lại chuyện ngày ấy “ Dạo ấy ngày nào cũng gặp nhau nhưng vẫn cứ thấy nhớ”.
Đến năm 1980 thì hai ông bà chính thức nên duyên vợ chồng nhưng đám cưới diễn ra mà không hề có hôn thú, bởi ông Khảm vốn đã có một đời vợ và họ cũng đã có với nhau mấy mặt con nhưng tình cảm vợ chồng từ lâu không còn sự gắn bó. Thời bấy giờ, bà Thịnh và ông cũng vì cảm mến nhau rồi tổ chức một đám cưới nhỏ chứ cũng chẳng suy nghĩ xa xôi gì nhiều.
Đôi vợ chồng mới cưới xin được một mảnh đất bãi tại thôn Yên Xá rồi dựng một căn nhà nhỏ để ở. Trong vòng chưa đầy hai năm, hai đứa con một trai, một gái ra đời như một lẽ tất nhiên. Đứa con trai đầu của ông bà là La Mạnh Thắng (sn 1982), còn cô con gái út là Lã Thị Nga (sn 1983).
Năm 1985, toàn khu vực bị mất mùa, đói kém xảy ra liên miên, đeo đẳng nhiều gia đình, nhà bà Thịnh cũng không nằm ngoài số đó. Chồng bà phải bươn bả khắp nơi để lo cho cả gia đình. Ông lái tàu đi các tỉnh lân cận thường xuyên hơn, những chuyến đi kéo dài đến cả nửa tháng không phải là hiếm.
Thời gian này, bà Thịnh xin đi quét sơn cạo gỉ tàu ở gần nhà, đây cũng chính là thời điểm bà gặp người chồng thứ hai là ông Trần Hữu Nhật, khi đó ông đang là tổ trưởng tổ hàn. Ông Nhật sinh năm 1940, quê ở Chợ Sông, Bình Lục, Hà Nam, là một người đàn ông tốt bụng, chịu thương chịu khó. Thấy hoàn cảnh của bà Thịnh quá vất vả, chồng lại thường xuyên vắng nhà, bà một nách nuôi hai con nhỏ, ông bèn ngỏ ý về ở trong nhà bà để có cơ hội giúp đỡ gia đình bà. Bà Thịnh nghe lời ông nói cũng rất cảm kích tấm lòng của ông, bèn đưa ông về sống cùng với gia đình mình.
Từ đó, bà Thịnh cùng ông Khảm và ông Nhất chung sống với nhau suốt gần 20 năm trời ở căn nhà nhỏ đầu làng. Gia đình một vợ, hai chồng ấy chưa một lần xảy ra đụng độ, họ sống rất vui vẻ và hòa thuận với nhau. Nhiều người làng còn bảo: “Nhà người khác một vợ, một chồng mà nhiều khi cũng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhưng nhà bà Thịnh chung sống với nhau đã nhiều năm trong cảnh hai ông, một bà mà vẫn êm xuôi, kể cũng tài”. Riêng bà Thịnh thì nói: “ Gia đình chúng tôi như vậy cũng là vì một chữ duyên đưa đẩy”.
Bà Thịnh kể lại chuyện sống cùng hai người chồng |
Ngày bà Thịnh và ông Khảm mới về ở cùng nhau, khi đó hai đứa con còn chưa được sinh ra, ông Khảm về Nam Định đón cậu con trai cả với người vợ trước về sống cùng ông bà. Khi đó Thanh, con riêng của ông Khảm, cũng đã được 15 tuổi nhưng được bà Thịnh coi như con đẻ và hết lòng chăm sóc, dạy dỗ.
Đổi lại, anh Thanh cũng cảm nhận được sự quan tâm của bà Thịnh dành cho mình nên cũng coi bà như mẹ và luôn gọi bà là mẹ. Bà nuôi anh Thanh được hai năm thì sinh con đầu lòng, lúc này anh Thanh cũng đã trưởng thành và quyết định xin bà cho vào miền Nam lập nghiệp. Bà Thịnh cũng cho biết tuy chỉ sống cùng anh Thanh hai năm nhưng tình cảm của hai người vẫn rất tốt, anh Thanh tuy ít có dịp về nhưng vẫn thường xuyên thăm hỏi quan tâm đến bà.
Năm 1992, em gái của bà Thịnh mất do bị sa tim độ 4, chồng của em gái bà bỏ đi lấy vợ mới, các cháu của bà lại bơ vơ. Bà Thịnh thương cảnh 3 đứa cháu còn nhỏ không ai chăm sóc nên đón về nhà nuôi cho đến khi các cháu trưởng thành và lo xây dựng gia đình cho từng đứa.
Hôm đến nhà bà, bà bảo cháu nội và cháu ngoại bà đều đi học chưa về. Khi chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên thì bà cho biết cháu ngoại bà về ở với bà từ hồi nó còn bé xíu. Rồi bà xúc động kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cô con gái út: “Năm 2002, khi Nga mới tròn 18 tuổi, nó lập gia đình với một cậu xã bên. Gia đình chúng nó tuy không dư dả song cũng không đến nỗi nào. Chúng nó sống với nhau cũng khá vui vẻ và hạnh phúc, mấy tháng sau thì con Nga có bầu, chồng nó sang xin phép đi làm than ở Quảng Ninh. Được vài tháng nó trở về và mang theo căn bệnh HIV/AIDS. Cả nhà lúc ấy vừa giận lại vừa thương, lo chạy vạy thuốc thang chưa đầy một năm sau thì chồng nó chết. Khổ nỗi, con Nga lại bị lây bệnh từ chồng nó”.
Do ở nhà cũng buồn nên chị Nga để lại con cho mẹ trông nom và xin bà cho đi làm tại một công ty giày da ở ngoài Hải Phòng. Tại đây, chị Nga lại gặp gỡ và quyết định xây dựng gia đình với một người đàn ông cũng bị mắc căn bệnh thế kỉ như chị. Nhưng may mắn đã mỉm cười với con gái bà khi mà đứa con của họ không mắc căn bệnh giống bố mẹ.
Sự lên ngôi của tình thương
Ban đầu khi ông Nhật về sống cùng gia đình bà, xóm làng cũng không khỏi dị nghị, cho rằng bà là người đàn bà không đứng đắn, nhưng suốt hai mươi năm họ vẫn thấy gia đình bà sống yên ổn, chẳng có điều tiếng gì xảy ra nên dần dần người làng cũng không còn ai lời qua tiếng lại nữa. Ai cũng nói bà ở với hai người chồng mà lại sống trong cùng một căn nhà thì quả là chuyện xưa nay hiếm.
Song, khi được bà Thịnh trải lòng thì chúng tôi mới thực sự hiểu. Bà bảo: “Người ta cứ nói tôi sống với hai chồng nhưng nào phải, chồng tôi chỉ có một là ông Khảm thôi, còn ông Nhật chỉ là một người bạn sống cùng với gia đình tôi thôi”.
Có lẽ vì thời gian ông Nhật sống cùng gia đình bà trong suốt gần 20 năm nên họ nói thế, vợ chồng bà cũng kệ, chả giải thích làm gì. Bà Thịnh tâm sự: “Tôi là người thế nào thì chồng tôi biết, con tôi biết chứ người khác nghĩ gì tôi chẳng quan tâm. Ông Khảm và ông Nhất thương nhau như anh em ruột thịt trong nhà, có như thế chúng tôi mới sống với nhau được lâu như thế”.
Hai đứa con của bà Thịnh cũng rất quý ông Nhật và luôn gọi ông là bố, bởi: “ Ông Nhật thương thằng Thắng với con Nga chẳng khác nào con ruột. Chúng nó đòi gì ông cũng mua cho”. Ở trong nhà, ông Nhật chẳng nề hà bất cứ việc gì, từ cơm nước đến giặt giũ cho cả nhà ông cũng không thấy ngại.
Bà Thịnh cũng cho biết đã từng có lần vợ của ông Nhật đến nhà bà “đánh ghen” nhưng bà chỉ nói duy nhất một câu: “Tôi cũng là đàn bà, bà cũng là đàn bà, tại sao bà để cho chồng bà đi, tôi cũng có chồng chứ có phải đến nhà bà gạ gẫm chồng bà đâu”. Sau lần ấy, vợ ông Nhật không hề quay trở lại làm phiền gia đình bà nữa.
Năm chị Nga đi xây dựng gia đình cũng là lúc ông Nhật xin gia đình bà được trở về quê cũ sống, bởi ông sợ gia đình thông gia của chị Nga không hiểu cho hoàn cảnh của họ sẽ dị nghị. Hơn nữa, ông Nhật cũng muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn để sống nốt phần đời còn lại. Cả gia đình bà Thịnh đều muốn ông ở lại, song vì ông đã quyết nên mọi người đành để ông về. Tuy vậy, thi thoảng các con của bà Thịnh vẫn lui tới thăm ông.
Đến nay thì cả ông Khảm và ông Nhật đều đã không còn nữa, song câu chuyện về tình người giữa họ vẫn chẳng bao giờ phôi phai. Con người ta sống với nhau quý nhau ở cái tình, cái nghĩa. Chẳng thế mà bà Thịnh, ông Khảm và ông Nhật mới sống được với nhau suốt mấy chục năm mà vẫn luôn hòa thuận. Sự tin tưởng cũng như tình cảm thương mến mà họ dành cho nhau có lẽ ít người có thể hiểu được, nhưng chỉ cần những người trong cuộc hiểu được và thông cảm cho nhau thì câu chuyện giữa họ không phải là quá khó hiểu.