Theo thông tin từ Bộ Công thương hiện trên toàn quốc hiện có 42 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hoạt động. So với con số 67 công ty của năm 2015, thì số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp năm nay đã giảm 25 công ty.
Trong 25 doanh nghiệp bị xóa sổ có 14 công ty bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 11 doanh nghiệp tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.
Cũng theo Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài là khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần, doanh thu của các doanh nghiệp trong nước là khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần). Các doanh nghiệp đã tiến hành chi trả tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác với số tiền gần 712 tỷ đồng cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 là khoảng 500.000 người (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015 (hơn 1,16 triệu người). Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp BHĐC đã nộp các loại thuế với tổng số tiền là 452 tỷ đồng.
Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31,65%), đồ gia dụng (12,33%).
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, kiến nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật hình sự 2015.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/ 2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp), Bộ Công Thương cũng đã xây dựng dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước.