Hoàn thành nhiệm vụ, vẫn bị “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”
Tháng 9/2010, ông Nguyễn Văn Chương ký HĐLĐ không xác định thời hạn với VFF. Đến năm 2013 và năm 2014, ông Chương lần lượt được VFF bổ nhiệm làm Quyền Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ, rồi Phó Trưởng Phòng Bóng đá phong trào, Đào tạo và Tổ chức thành viên.
Đến ngày 3/4/2015, VFF đã mời ông Chương đến dự họp và có Thông báo về việc sẽ chấm dứt HĐLĐ đối với 6 người (trong đó có ông Chương) do “tinh giảm nhân sự cơ quan VFF”. Ngày 16/4/2015 thì VFF đã chính thức có Quyết định số 152/QĐ-LĐBĐVN về việc chấm dứt HĐLĐ đối với ông Chương kể từ ngày 1/6/2015 và bồi thường 2 tháng tiền lương cho ông Chương (tương đương 22 triệu đồng).
Cho rằng việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ như trên là không có căn cứ, sai thủ tục, ông Chương đã khởi kiện VFF ra Tòa, yêu cầu hủy Quyết định số 152/QĐ-LĐBĐVN. Trong khi đó, VFF thì cho rằng việc mình chấm dứt HĐLĐ với ông Chương là có căn cứ do “sắp xếp lại tổ chức để nâng cao hiệu quả công việc..”. Trước đó, VFF đã lập phương án sử dụng lao động, lấy ý kiến của công đoàn cơ sở và gửi Thông báo đến Sở LĐ-TB-XH.
Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chương và Luật sư của mình vẫn có quan điểm rằng theo quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ) và Nghị định 05/2015/NĐ-CP, nếu VFF “tổ chức lại lao động” thì bắt buộc, VFF phải có “phương án sử dụng lao động” (có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở) và việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, cả cuộc họp lấy ý kiến ngày 11/3/2015 lẫn Phương án sử dụng lao động ngày 12/3/2015 chỉ có sự tham gia và ý kiến cá nhân của bà Phạm Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn.
Luật sư Trương Thanh Đức (Cty TNHH Luật BASICO) cho rằng, việc bà Hà ký tên và ghi “ý kiến đồng thuận của Ban chấp hành (BCH) Công đoàn” trong khi chưa có Nghị quyết của BCH Công đoàn là lạm quyền và sai trái. Điều này đồng nghĩa với việc, cả phương án sử dụng lao động lẫn việc thỏa thuận với tổ chức công đoàn của VFF đều vi phạm trình tự, thủ tục chấm dứt HĐLĐ đối với ông Chương. Đó là chưa kể đến việc, ông Chương là Phó Chủ tịch Công đoàn VFF nhiệm kỳ 2013-2016 nên thủ tục chấm dứt HĐLĐcũng phải tuân theo những quy định riêng.
Hơn nữa, theo quy định, nếu VFF chấm dứt HĐLĐ do tổ chức lại lao động thì chỉ được tiến hành khi đã thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh. Nhưng thực tế, ngày 16/4/2015, VFF ra Quyết định chấm dứt thì 8 ngày sau (24/4/2015), cơ quan này mới có công văn gửi Sở LĐ-TB& XH Hà Nội để thông báo vụ việc.
Từ nội dung một số văn bản của chính VFF, ông Chương và Luật sư của mình khẳng định, vụ việc không phải là chấm dứt HĐLĐ do “tổ chức lại lao động” mà bản chất, VFF đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhằm “giảm số lượng cán bộ nhân viên”, “tinh giảm nhân lực” (thậm chí, có thể gọi là “sa thải người lao động” trái luật). Đây đều là những căn cứ không đúng theo quy định tại Điều 38 Bộ Luật Lao động (về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động) nên có thể coi đây là “đơn phương chấm dứt HĐLĐ” trái luật. Vì vậy, Tòa cần chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên hủy Quyết định 152 của VFF; Buộc VFF phải nhận ông Chương trở lại làm việc và chi trả cho ông Chương các khoản tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian bị cho nghỉ việc trái luật.
Tuyên án kiểu “nửa vời”
Tại Bản án phúc thẩm số 19/2017/LĐ-PT (22/9/2017), TAND TP Hà Nội đã khẳng định rõ, trường hợp của ông Chương là “người lao động bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ”.
Căn cứ vào BLLĐ và Luật công đoàn, HĐXX phúc thẩm nhận định, lẽ ra, khi chấm dứt HĐLD với ông Chương (là 1/8 thành viên của BCH Công đoàn cơ sở) thì VFF bắt buộc phải có thỏa thuận bằng văn bản với BCH công đoàn của Văn phòng VFF hoặc BCH Công đoàn Tổng cục Thể dục Thể thao. Nhưng VFF đã không thực hiện đúng quy định này (chỉ có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn VFF nhưng bà Hà không thể đại diện cho ý kiến của toàn thể 7 thành viên còn lại của BCH công đoàn VFF như quy định của pháp luật).
Theo HĐXX phúc thẩm, Quyết định 152 của VFF về hình thức, thẩm quyền, căn cứ là đúng nhưng về nội dung thì đã không tuân quy định đối với cán bộ Công đoàn. Nhưng xét thấy do VFF thay đổi cơ cấu, tổ chức để tăng hiệu quả hoạt động và đã có phương án sử dụng lao động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là thực hiện Nghị quyết của Đại hội ban chấp hành VFF; hiện không thể nhận ông Chương quay trở lại làm việc nên giữ nguyên nội dung chấm dứt HĐLD đối với ông Chương. Vì vậy, HĐXX chỉ buộc VFF phải trả lương cho ông Chương đến 31/3/2016.
Thể hiện sự không đồng tình với phán quyết trên, ông Chương cho rằng, HĐXX phúc thẩm đã tuyên án kiểu “nửa vời” vì trong khi khẳng định VFF đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ sai luật nhưng Tòa lại không buộc đơn vị này phải nhận người lao động trở lại làm việc theo nguyện vọng của nguyên đơn. Hơn nữa, HĐXX cho rằng “phương án sử dụng lao động của VFF đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận” là không đúng thực tế. Hơn nữa, phương án này được VFF lập không đúng quy định vì không có ý kiến của BCH Công đoàn. Đó là chưa kể một loạt các sai phạm về thủ tục khác khi VFF tiến hành đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng vẫn được HĐXX phúc thẩm cho là “đúng trình tự, thủ tục”.
Chính vì lý do trên, ông Chương quyết định sẽ tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm vụ kiện này.