Chạm tới yêu thương, thay vì bạo lực

(PLVN) -  Vấn đề bạo lực học đường chưa bao giờ hết nóng, nó luôn tồn tại âm ỉ trong trường học nhưng đôi khi vẫn bị xem nhẹ. Chính vì thế, khi những sự việc nghiêm trọng xảy ra thì đã quá muộn…
Thầy cô gieo vào các em những giá trị của yêu thương, vị tha. (Ảnh: PV)

Cần sự tận tâm của thầy cô chủ nhiệm

Bạo lực học đường là chuyện không mới, năm nào cũng xảy ra nhiều sự việc học sinh đánh nhau. Có em bị đánh đến mức chấn thương sọ não, có em bị lột đồ, học sinh ép bạn quỳ (xảy ra ở Trường THCS số 1 Bắc Lý, Quảng Bình), thậm chí có em bị bạn dùng dao đâm tử vong (sự việc từng xảy ra ở Trường THCS Hồng Hà, Hà Nội)… Đó chỉ là những sự việc nổi, đằng sau đó còn có những kiểu bạo lực tinh thần như: tẩy chay, nói xấu, đe dọa… cũng gây áp lực rất lớn cho học sinh. Trên thực tế, có học sinh bị chặn đánh, giật tóc, bắt quỳ… thậm chí có học sinh tử vong.

Từ đầu năm 2023 đến nay, dư luận cả nước liên tục “dậy sóng” khi chưa hết bàng hoàng trước thông tin nữ sinh N.T.Y.N lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử, lại liên tiếp những clip đánh bạn tung lên mạng sau đó.

Gần đây, chiều 9/5, sau vụ việc một học sinh Trường THPT An Phúc, huyện Hải Hậu (Nam Định) bị bạn học cùng trường đâm tử vong.

Trước đó, do mâu thuẫn từ trước trên mạng xã hội, sáng 8/5, tại Trường THPT An Phúc, Nguyễn Phú Cường (sinh năm 2005, trú tại xã Hải Giang, huyện Hải Hậu, học sinh lớp 12C6) đã dùng tay tát Đỗ Hoàng Anh Phúc (sinh năm 2006, trú tại xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, học sinh lớp 11B6) là bạn học cùng trường.

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Nguyễn Phú Cường được bạn học chở về nhà. Khi Cường đi đến địa phận xóm 4, xã Hải Phong, huyện Hải Hậu, thì bị Đỗ Hoàng Anh Phúc cùng nhóm bạn 4 người, đều là học sinh Trường THPT An Phúc chặn lại đánh.

Bị đánh, Cường đã lấy một thanh kim loại tự chế dài khoảng 13cm, đầu được mài nhọn để chống trả. Hậu quả làm Đỗ Hoàng Anh Phúc bị đâm vào vùng ngực, tử vong trên đường đi cấp cứu; Trần Công Hiếu (sinh năm 2006, trú tại xã Hải Tây, huyện Hải Hậu) bị đâm một phát vào vùng bụng, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho biết: Sau khi vụ việc nữ sinh 16 tuổi ở Nghệ An tự tử đã có nhiều người chia sẻ rằng, trước đây họ cũng từng bị bạo lực học đường. Thậm chí, họ đã phải sống trong những năm tháng vô cùng đau khổ, tuyệt vọng. May mắn, họ đã vượt qua những nỗi ám ảnh vẫn theo đến tận hôm nay. Điều này cho thấy, bạo lực học đường có từ lâu, âm ỉ tồn tại trong môi trường giáo dục.

Theo TS. Lâm, những năm gần đây giáo dục đã có sự đổi mới theo hướng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhiều hơn thông qua giáo dục đạo đức, giáo dục công dân. Tuy nhiên, cách giáo dục vẫn nặng về lý thuyết, theo một công thức chung, trong khi mỗi học sinh lại là một nhân cách khác nhau. Việc gieo vào mỗi học sinh những giá trị yêu thương, khoan dung là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần trang bị cho trẻ các kỹ năng sống, như kỹ năng hòa giải, kỹ năng thương lượng, kỹ năng sống chan hòa.

Để làm được điều đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Ngoài bố mẹ, không ai gần gũi và hiểu học trò hơn giáo viên chủ nhiệm. Họ là người nắm bắt được đặc điểm tâm duy lý của mỗi em, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả. Hiện nay, vai trò này đang bị mờ nhạt, ở một số trường không được chú ý. Cần gắn trách nhiệm của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm và nhà trường liên quan với việc để xảy ra bạo lực học đường.

Cả người bạo lực hay bị bạo lực đều đáng thương

Chị Hương (Hòa Bình) chia sẻ, khi vào THPT được thời gian ngắn, chị bị nhóm bạn nhà giàu, lớp trưởng bạo lực. Cứ cuối tuần, lớp trưởng lại báo với giáo viên chủ nhiệm rằng Hương vi phạm nội quy hoặc không hoàn thành nhiệm vụ để phạt trực nhật cả tuần. Có khi, Hương phải quét lớp, lau bàn suốt cả tháng, bị đặt điều, đe dọa bằng những lời lẽ như: “Mày muốn sống yên ổn ở lớp này phải biết điều”; bị đưa vào tình trạng không cho yên ổn học tập. “Tôi cảm thấy suy sụp, cô đơn, phẫn nộ, trong khi những người bạn khác không ai dám đứng lên bảo vệ mình”.

Cũng đôi ba lần chị tìm cách nói chuyện với mẹ nhưng mẹ không hiểu còn mắng thêm “mày phải thế nào mới bị nó ghét”. “Đã có lần mình chốt cửa phòng nghĩ đến chuyện tự tử nhưng may mắn khi đó không có bản lĩnh nên vẫn được sống”, chị Hương nói.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, khi trẻ bị bạo lực học đường, chúng ta cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24h cho con. Gia đình và nhà trường cần kết hợp để có các biện pháp chấm dứt ngay việc bị bạo hành.

Cần phải có nhóm hỗ trợ hòa giải, giáo dục pháp luật về phòng ngừa tội phạm, giáo dục thanh, thiếu niên về bạo lực trong các buổi hẹn hò, bạo lực trong gia đình và xã hội. Đồng thời, cần phải có những lớp giáo dục kỹ năng dạy con cái cho cha mẹ; kỹ năng kỷ luật tích cực cho giáo viên.

Bên cạnh đó, cần cải thiện văn hóa học đường, thiết lập quy tắc ứng xử dựa trên yêu thương, tôn trọng và an toàn. TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: “Hòa giải các em mới là quan trọng, nhà trường không phải là tòa án để phân định thắng thua. Chúng ta không nói phải - trái, đúng - sai mà phải giúp các em nhận thức được người gây ra chuyện đó không tốt mà người bị hại càng đòi hỏi phải có lòng vị tha”.

Còn đối với những học sinh sai phạm, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, bạo lực học đường xuất phát từ tâm lý lứa tuổi mới lớn, muốn khẳng định cái tôi và thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý. Chính vì chỉ đang định hình tính cách nên nhà trường cần giúp trẻ thấy trách nhiệm về những việc làm sai trái của mình, thấy được tác hại khi vừa làm mất an ninh, mất danh dự của nhà trường, vừa làm đau cả thân thể và tâm lý của bạn. Chúng ta dạy cho học sinh cách thương lượng chứ không phải dùng vũ lực để giải quyết. Khi học sinh vi phạm kỷ luật, dù nhà trường đưa ra hình phạt nào thì mục đích cuối cùng cũng là để cảm hóa học sinh chứ không phải tạo sự tủi nhục, bất bình. Đó mới đúng nghĩa trường học là nơi để dạy dỗ, khai phóng.

Với những học sinh bị bạo lực học đường, phụ huynh khuyên con không được giấu giếm mà nên tìm đến sự giúp đỡ của thầy cô để giải quyết vụ việc, tạo sự thân thiện sau này để trẻ không nuôi hận thù, biến xung đột thành tình bạn cao đẹp.

Cùng quan điểm, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng, cả người bạo lực hay bị bạo lực đều đáng thương, vì thế chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng đồng hành, hỗ trợ và lắng nghe học sinh dành cho giáo viên cũng như phụ huynh.

Đối diện với bạo lực học đường, phải tùy trường hợp mà đưa ra cách ứng xử linh hoạt. Cần nhấn mạnh là nếu làm cho trường học hạnh phúc hơn, làm cho học sinh biết bao dung, cảm thông hơn. Và mỗi chúng ta kiểm soát dần vấn đề nội tại của mình thì có lẽ học sinh cảm thấy cân bằng hơn và dần tránh đi những biểu hiện hành vi bạo lực trong cuộc sống.

Phòng tư vấn tâm lý học đường không chỉ là nơi giúp học sinh chữa lành tâm lý mà còn là nơi hỗ trợ các phụ huynh trong việc hiểu và giải quyết các vấn đề tâm lý của con cái. Do vậy, các trường học và trung tâm tư vấn tâm lý nên mở cửa cho các phụ huynh tham gia và trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng.

Ở góc độ khác, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội) cho rằng cần dạy trẻ cách tự vệ hơn là đứng im chịu trận. Bác sĩ Phúc chia sẻ câu chuyện của mình:“ Tuổi thơ của tôi từ cấp 1 đến cấp 3, đánh nhau không biết bao nhiêu trận, các bạn đánh tôi thì tôi sẵn sàng chống trả tương xứng, không đứa nào dám đánh tôi đến lần thứ hai. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng, nếu trên thế giới này, bố mẹ nào cũng dạy con không hèn nhát, dám đánh trả khi bị bắt nạt, thì tôi tin chắc bạo lực học đường sẽ gần như vắng bóng.

Theo bác sĩ Phúc, trẻ dưới 14 tuổi không có sự hiểu biết về pháp luật, không có kiến thức vì không thích học nên không phân biệt được đúng - sai, không có sự kiên nhẫn bởi đây là điều khó rèn luyện nhất. Ở lứa tuổi này trẻ rất hung dữ khi cha mẹ không quan tâm. Trẻ có tâm lí so sánh, thấy thành tích học tập của bạn tốt hơn, bạn nhận được sự tôn trọng nhiều hơn, trong khi mình chỉ có nắm đấm là giỏi nhất. Và trẻ sẽ dùng nắm đấm ấy đánh bạn để thể hiện sức mạnh. Một lần, hai lần, ba lần… Đấm bạn nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn, tức là chưa nhận được sự tôn trọng, thì trẻ sẽ tiếp tục đấm.

“Từ 16 tuổi trở lên, hầu hết trẻ cư xử tốt hơn, nhiều đứa ngừng đánh người. Theo tôi, cha mẹ nên dạy con kĩ năng xử lí tình huống khi bị đánh, tôi gọi là quy tắc ba lần tự vệ. Lần đầu, bị bắt nạt, hãy cảnh báo nghiêm khắc kẻ bắt nạt và yêu cầu dừng lại. Lần hai, hét thẳng vào mặt kẻ bắt nạt, để những người xung quanh biết, đặc biệt là người lớn như thầy cô giáo có biện pháp can thiệp. Lần ba, hãy làm những gì cần phải làm để ngăn chặn hành vi bắt nạt, ngay lập tức trả đũa với cùng mức độ. Nhưng phải dạy con, khi đánh nhau không bao giờ được phép dùng vũ khí, đặc biệt là vũ khí bằng sắt...”, theo bác sĩ Phúc.

Cũng theo bác sĩ Phúc, “dùng bạo lực để giải quyết bạo lực không phải là một giải pháp tối ưu, nhưng nếu đứa trẻ bị đánh, thì trẻ có quyền đánh trả tương xứng nếu không tìm được giải pháp tốt hơn. Hãy dạy trẻ quyền được tự vệ. Là người lớn, nếu chúng ta bị ai đó tấn công thì yếu ớt đến đâu cũng phải đáp trả, tại sao lại bắt trẻ phải đứng chịu bị đấm mà không được đấm lại. Sự can thiệp của giáo viên bằng cách kỉ luật, của phụ huynh bằng cách dọa dẫm, tôi quan sát hầu hết tác dụng ngược, nhiều trẻ chỉ vì sự can thiệp ấy trở thành bao cát ăn đấm. Trẻ bắt nạt chỉ dừng lại, khi đứa bị bắt nạt biết tự đứng lên...”, bác sĩ Trần Văn Phúc nêu quan điểm.